Thành Hoa-
Trước thực trạng sạt lở đất hiện nay, không ít người dân sinh sống ven kênh rạch tại TPHCM đang sống trong cảnh lo âu không biết lúc nào “hà bá” sẽ ghé thăm nhà mình.
Trong số những người khốn khổ, ông Nguyễn Văn Đầy nhà ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM vẫn còn nhớ trận sạt lở từ tối 26-6 đến rạng sáng hôm sau đã cuốn đi tất cả những đồ dùng, vật dụng trong nhà xuống sông. Từ hôm đó đến nay, ngày nào vợ chồng ông cũng ra chỗ ngôi nhà đã gắn bó mấy chục năm qua nay chỉ còn lại một nửa để nhớ lại chỗ nào đặt chiếc giường ngủ, chỗ nào để tủ thờ…
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố có 42 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch, trong đó có 25 điểm đặc biệt nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức.
Chỉ tay ra phía bờ sông nơi vừa mới bị sạt lở, ông Đầy cho biết trước đây từ cánh cửa này ra tới bờ sông khoảng 15 m, vậy mà chỉ sau một đêm đất bị sạt vào tới chiếc giường ông ngủ.
Đêm hôm đó, “hà bá” ghé thăm năm ngôi nhà tại ấp 3 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Anh Lê Thành Đồng, người ở trọ trong căn nhà bị sạt lở, cũng bị trắng tay do phòng trọ nằm ngoài mép sông. Khi biết có tình trạng sạt lở, anh chỉ kịp đưa hai đứa con gái và chiếc xe máy ra ngoài còn toàn bộ đồ đạc trong phòng đều bị nhấn chìm.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Đầy và bà Võ Thị Nết trở lại thăm ngôi nhà của mình. Ông Đầy năm nay 80 tuổi, còn bà vợ hơn ông hai tuổi, bỗng chốc trắng tay sau vụ sạt lở tối 26-6.
Hai ngày sau vụ lở đất, bà Nết quay trở lại nhìn những gì còn sót lại của ngôi nhà.
Người ta cạy từng viên gạch men để đem về cất trữ, sau này có đất thì có cái để lát nhà hay làm các công trình phụ.
Hai bà cháu di chuyển các vật dụng còn lại của ngôi nhà bị sạt xuống sông về gửi nhà người thân.