Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Tìm hiểu 5 hệ sinh thái dưới nước đặc biệt nhất thế giới

(SGTT) - Lâu nay, con người thường nghiên cứu nhiều về bề mặt của mặt trăng hơn là tìm hiểu về nơi sâu nhất, tối nhất của đại dương. Từ các mạch nước ngầm phun ra những tia nước nóng, đến những rạn san hô đầy ắp sự sống vùng nhiệt đới cho thấy rằng các vùng biển phong phú và đa dạng như bất kỳ hệ sinh thái nào trên đất liền.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý để bạn lên lịch cho chuyến đi, từ đầm lầy ở miền Đông Ấn Độ đến vùng băng giá ở Nam Cực.

Thềm băng Ross ở Nam Cực. Ảnh: RTE
Blue Corner, Palau

Rạn san hô Great Barrier Reef, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới, nằm ngoài khơi bờ biển Queensland, đông bắc Úc. Nhưng cách đó khoảng 3.000km về phía Bắc, quốc đảo Palau ở biển Thái Bình Dương cũng có rạn san hô có thể làm choáng váng ngay cả những tay bơi ở rạn san hô dày dạn nhất.

Ở Palau có nhiều điểm lặn nổi tiếng thế giới và Blue Corner là một khu vực có các rạn san hô nằm rải rác, dòng chảy và trai, ở độ sâu 8-30m.

Một thiên đường với đa dạng loại hình sinh học thường chỉ thấy trong các chương trình của David Attenborough - nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh. Trong hành trình lặn biển, du khách có thể gặp những chú cá bàng chài hung hăng, những nàng cá nạng hải duyên dáng, những con cá đuối đại bàng khổng lồ, đàn cá nhồng bơi lội tung tăng, cá ngừ vây xanh, rùa đồi mồi bơi một cách chậm rãi và một số loài cá mập san hô.

Các bờ biển của California là nơi có nhiều rừng tảo bẹ. Ảnh: RTE
Rừng tảo bẹ California, Mỹ

Là một đồng cỏ dưới nước trù phú ôm sát bờ biển Bắc Mỹ, những khu rừng tảo bẹ ở Bắc Thái Bình Dương cũng hữu ích cho hành tinh như bất kỳ hệ sinh thái nào trên trái đất. Loài cây với những chiếc lá thẳng đứng khổng lồ, có biệt danh là "Sequoia của biển" (một loài cây họ thông cao lớn), là nơi trú ngụ của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, từ rái cá biển đến cá voi xám con và sản xuất ra loại tảo có thể dùng làm nhiên liệu sinh học.

Các bờ biển của California là nơi có nhiều rừng tảo bẹ, nhưng những vườn ươm thủy sinh này đang bị đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, độ mặn tăng và dịch nhím biển tím hoành hành.

Khe nứt Silfra, Iceland

Khe nứt Silfra nằm ở hồ Thingvallavatn tại vườn quốc gia Thingvellir ở Iceland. Có một sức hút vô cùng hấp dẫn đối với các nhà địa chất học cũng như các nhà hải dương học bởi khe nứt Silfra là một trong những nơi đặc biệt nhất thế giới.

Tại đây, các du khách trong vai trò thợ lặn được tận hưởng nguồn nước trong vắt như pha lê, với tầm nhìn xa lên tới 100m. Đây cũng là nơi duy nhất trên hành tinh có thể bơi giữa hai lục địa Âu-Mỹ. Nước trong rãnh đã trải qua ít nhất ba thập kỷ lọc qua dung nham xốp dưới lòng đất trước khi trồi lên bề mặt, nên nơi này có nguồn nước tinh khiết nhất thế giới, có thể trực tiếp uống.

Hệ sinh thái đặc biệt đến mức chỉ có một loài cá sống ở đó - cá hồi chấm Bắc cực, thường lảng vảng giữa những tảng đá của các hốc sâu của khe nứt.

Là một hệ sinh thái lưỡng cư ôm sát biên giới Ấn Độ - Bangladesh, Sundarbans là rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Ảnh: RTE
Rừng ngập mặn Sundarbans, Ấn Độ

Là một hệ sinh thái lưỡng cư ôm sát biên giới Ấn Độ - Bangladesh, Sundarbans là rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, hòa quyện làn nước xanh âm u của sông Hằng, sông Brahmaputra và sông Meghna vào vịnh Bengal trong xanh.

Nhiều sinh vật thủy sinh khác nhau sống lang thang trên các tuyến đường thủy và bãi bồi, bao gồm cả cá sấu nước mặn, trăn Ấn Độ, cá heo Irrawaddy và loài rùa sông cực kỳ nguy cấp. Nơi đây còn là lãnh địa của nhà hổ Bengal. Chúng rất lớn, có thể nặng từ 180-300kg, sinh trưởng trong nhiều môi trường từ đồng cỏ, rừng mưa, rừng cây bụi đến rừng ngập mặn.

Hổ Bengal còn có khả năng bơi vô địch. Trong khi hầu hết các họ nhà mèo đều ghét nước, loại "mèo lớn xác" này lại khoái trò phục kích bên bờ sông.

Thềm băng Ross, Nam Cực

Là khối băng đơn lẻ lớn nhất thế giới, thềm băng Ross ở Nam Cực bao phủ một khu vực biển Ross có kích thước gần bằng diện tích của  Tây Ban Nha, tạo thành một mái nhà dày tới 740m phía trên một thế giới bí ẩn dưới nước. Những gì xảy ra bên dưới lớp băng ở đây ảnh hưởng đến mực nước biển và hệ sinh thái biển toàn cầu, và là nơi cư trú của các loài động vật yêu thích môi trường lạnh lẽo và tăm tối.

Một số ít nhà khoa học đã có khám phá bất ngờ sau khi khoan một lỗ nhỏ xuyên qua thềm băng Ross. Họ phát hiện ra một đáy biển hoang vắng, gần giống như mặt trăng. Họ rất ngạc nhiên khi tìm thấy một số loài cá và động vật giáp xác giống tôm đang tồn tại ở nơi không hề có ánh sáng - một trong những môi trường sống khắc nghiệt nhất trên trái đất.

Thanh Thảo

Theo RTE

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá thế giới đại dương qua môn thể thao lặn...

0
(SGTT) – Những năm gần đây, môn thể thao giải trí lặn biển đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân Việt...
lặn ngắm san hô

Những vùng biển nào ở Việt Nam có thể du lịch...

0
(SGTTO) - Các vùng biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… đến Bà Rịa - Vũng Tàu đều có thể khai thác loại hình...
Du lịch lặn biển

Những ai không nên đi du lịch lặn biển?

0
(SGTTO) - Những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp, bệnh đường hô hấp hay những người nghiện rượu bia… sẽ không được...

Thú vui khám phá đại dương trong những chuyến du lịch

0
(SGTTO) - Tại Việt Nam, môn lặn đang ngày càng phổ biến và được nhiều người tham gia. Khi đã thành “nghề”, bạn sẽ...

Kết nối