Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Sở Y tế TPHCM: cần có quy định về đặt tên biển hiệu của các cơ sở làm đẹp

Hiện nay, nhiều cơ sở làm đẹp khang trang, sang trọng gắn biển hiệu “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” hay và tên đăng ký của một số doanh nghiệp như “Công ty TNHH Bệnh viện…” trong Giấp phép kinh doanh. Điều này dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ, mà không nắm rõ rằng không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành Y tế.

Nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, nhất là ở giới nữ ở độ tuổi từ 18 đến 50, thuộc mọi thành phần từ người có thu nhập cao đến người có thu nhập thấp, từ người có trình độ học vấn cao đến người lao động bình thường... Đáp ứng nhu cầu có thật này, ngày càng có nhiều cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và thẩm mỹ xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu vắng về quy chuẩn đặt tên biển hiệu, tên công ty, nhiều cơ sở thẩm mỹ đặt những tên mỹ miều như "Viện thẩm mỹ", "Thẩm mỹ viện"... khiến người dân thiếu thông tin có thể hiểu lầm.

Với các dịch vụ thẩm mỹ, người tiêu dùng cần thận trọng chọn lựa những nơi có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép. Ảnh: Minh Khuê

Theo cổng thông tin Sở Y tế TPHCM, theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành ba nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Cụ thể như sau:

Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp

Là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban Nhân dân (UBND) quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động.

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

Là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp). Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định (tại khoản 5, phần bổ sung Điều 23a NĐ 109/2016, trong NĐ 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ

Là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyêt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa da liễu. Cho dù là bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ theo quy định và được Bộ Y tế, Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động.

Theo Sở Y tế TPHCM, thực tế, do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu của các cơ sở làm đẹp tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nêu trên, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (nhóm 1, không thuộc lĩnh vực y tế), cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ (nhóm 2, gửi văn bản thông báo về Sở Y tế), cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3, do Sở Y tế cấp GPHĐ và DMKT). Thực tế, với các biển hiệu thường thấy như “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” được treo tại những toà nhà có cơ sở hạ tầng sang trọng, bắt mắt sẽ dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả các loại hình thẩm mỹ. Đây cũng chính là một trong những “kẻ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Sở Y tế TPHCM cho rằng việc rà soát, bổ sung quy định về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở là rất cần thiết. Theo đó, đăng ký tên doanh nghiệp không được nhập nhằng giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện. Ví dụ, chủ đầu tư của một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ lại đăng ký tên doanh nghiệp trong Giấy phép kinh doanh là “Công ty TNHH bệnh viện…”; hay nên có quy định không thể dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ...

Lý do theo Sở Y tế TPHCM cần bổ sung các quy định pháp luật về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở làm đẹp để khi đọc tên biển hiệu của các đơn vị này, người dân có thể dễ dàng nhận biết được đâu là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (nhóm 1), đâu là dịch vụ thẩm mỹ (nhóm 2), đâu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3). Đồng thời những quy định này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lắp đi những “kẻ hở”, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Theo Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (tất cả đều thuộc nhóm 3), và chỉ mới có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế (nhóm 2), trong khi đó, có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1). Nhưng về biển hiệu thì khó có thể phân biệt các cơ sở này với nhau vì hầu hết là chọn biển hiệu là “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ.

Theo website Sở Y tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nguyên nhân hình thành và cách xoá tan mỡ bọng mắt...

0
(SGTT) - Theo thời gian, quá trình lão hóa làm giảm độ đàn hồi của các cơ, dẫn đến việc bọng mắt dưới có...

TPHCM: Tăng cường rà soát các cơ sở làm đẹp có...

0
UBND TPHCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát...

Bí quyết ngăn ngừa và loại bỏ nếp nhăn ở cổ

0
(SGTT) - Chăm sóc vùng cổ quan trọng không kém gì da mặt, có thể tiết lộ và phản ánh tuổi tác một cách...

Trẻ hoá làn da với phương pháp căng chỉ tự tiêu

0
(SGTT) - Theo chuyên gia, căng chỉ tự tiêu là một thủ thuật ngày càng phổ biến và thay thế cho các biện pháp...

Cách xử lý mụn lưng đơn giản tại nhà

0
(SGTT) - Mụn lưng là vấn đề da liễu phổ biến, khiến không ít người cảm thấy tự ti khi diện những bộ cánh...

Tia UV có làm biến dạng filler?

0
(SGTT) - Chất làm đầy filler đang là trào lưu làm đẹp trong thời gian gần đây. Là một phương pháp thẩm mỹ không...

Kết nối