(SGTT) - Giống như nhiều vùng thôn quê khác, Xianglan - ngôi làng nhỏ nằm trên bờ biển Thái Bình Dương phủ đầy cọ của Đài Loan - cũng gặp tình trạng thiếu thốn nhân lực trẻ. Nhờ sáng kiến của một chủ đất, mô hình du lịch trang trại tại đây dần phát triển.
- Nhiều hoạt động trải nghiệm tại công viên nhiệt đới Kong Forest Nha Trang
- Đài Loan đề xuất dự án khu nông nghiệp năng lượng xanh 2.500 ha tại Thanh Hóa
Khi du khách làm việc đồng áng
Hầu hết thanh niên làng Xianglan đã đến các thành phố lớn tìm việc làm, bỏ lại công việc đồng áng cho người thân lớn tuổi. Cư dân của làng chỉ khoảng 150 người và đa số là người bản địa, thuộc bộ tộc Paiwan.
Hai năm trước, ông Sakinu Tepiq, một chủ đất ở làng, đã có sáng kiến khởi động dự án đưa du khách về làm các công việc đồng áng. Ông nhận ra du khách sẽ trân trọng cơ hội được giao lưu tìm hiểu văn hoá của bộ lạc này.
Ông Lin Da-yi, 45 tuổi, một thành viên đang tham gia trồng diêm mạch (quinoa) tại đây, đồng thời là người sáng lập đại lý du lịch I'm Here Boutique Travel Services, cho biết: "Những du khách đến đây cho rằng họ vừa được lao động, vừa được vui vẻ. Vì thế họ chấp nhận trả tiền cho tour du lịch đặc biệt này". Bản thân ông cũng không ngại lội trên cánh đồng đầy bùn bởi "thông qua lao động, chúng tôi sẽ hiểu biết nhiều hơn về nền văn hoá nơi đây".
Khoảng 1.000 khách đã trải nghiệm kỳ nghỉ có một không hai của Đài Loan. Chi phí là 7.000 đài tệ/người (khoảng 5,8 triệu đồng), bao gồm ba đêm nghỉ tại một phòng trong nhà thờ Thiên Chúa của làng và chín bữa ăn.
Sau những cánh cửa gỗ phong cách châu Âu của nhà thờ sơn trắng nhuốm bụi thời gian là những bậc cầu thang dẫn lên hành lang ngoài trời ở tầng ba và tầng bốn. Khách ở các phòng dọc theo hành lang có thể mang ghế ra ban công ngồi ngắm toàn cảnh ngôi làng với những ngôi nhà hai tầng hình hộp trắng, được bảo vệ bởi những chú chó ngoài sân. Những ngọn núi xanh bao quanh những cánh đồng diêm mạch bên phải và bên trái là đại dương xanh ngắt xa xa.
Tối đa là 30 khách du lịch có thể tham gia chương trình cùng nhau. Những nông dân đặc biệt này sẽ học việc trên diện tích 3 ha đất trồng ở Tepiq mà bộ lạc Paiwan rào bằng những bức tường đá và cây trầu bà để phân chia ruộng nhà này với ruộng nhà khác.
Cô Hsieh Meng-lin, quản lý một trang trại, giải thích rằng ở đây nông sản thường được dùng để trao đổi các loại hàng hoá khác chứ không bán lấy tiền.
Dân bản địa chiếm khoảng 2% trong tổng số 24 triệu dân của Đài Loan. Tổ tiên của họ đến hòn đảo này từ lục địa châu Á, cách đó 160km khoảng 3.500 năm trước. Họ có cùng văn hoá với người Maori ở New Zealand và người Inuit ở Canada.
Vào giữa thế kỷ 20, chính phủ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã buộc những bộ tộc sống bằng nghề săn bắn phải định cư, không cho họ sử dụng ngôn ngữ bản địa và phá huỷ nhà cửa. Người dân bản địa sống tại các vùng núi và các ngôi làng như Xianglan, dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, với nền kinh tế chưa phát triển.
Mục sư Tepiq (54 tuổi) được dân làng ngưỡng mộ bởi ông có rất nhiều ý tưởng. Ông cho biết việc lưu trú tại các trang trại phần nào xoá bỏ những định kiến cho rằng người bản địa luôn say xỉn và lười biếng. Du khách đã tận mắt chứng kiến người bản địa lao động chăm chỉ, cần cù làm việc suốt bốn tiếng đồng hồ ngoài đồng.
Đậm chất bản địa
Mặc dù phải cạnh tranh với 250 nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng bản địa khác và thậm chí là một công viên giải trí - Làng Văn hoá Thổ dân Formosan, nhưng chương trình Xianglan không gặp nhiều khó khăn, kể cả ngay từ khi bắt đầu.
Ngày đầu tiên của chương trình sẽ bắt đầu với bữa trưa gồm gà quay kèm cơm trộn diêm mạch, cùng chuyến tham quan làng có hướng dẫn viên đi chung. Du khách sẽ ngắm nhìn một cây cột gỗ cao chót vót được một nhà điêu khắc địa phương chạm khắc nhiều hoạ tiết, từ băng đô hình rắn của chiến binh đến thắt lưng trang trí hình đầu người. Buổi tối trước khi đi ngủ, du khách sẽ được uống rượu được làm từ hạt kê.
Vào ngày thứ hai, dân làng sẽ hướng dẫn du khách cách bộ tộc Paiwan kết vòng cổ bằng cườm, kéo dài khoảng ba tiếng. Nhưng công việc khiến Xianglan nổi tiếng chính là việc đồng áng.
Sang ngày thứ ba, vợ của mục sư lấy xe đưa du khách đến con đường đất ven đồi rợp bóng dừa. Hsieh, người phụ nữ 38 tuổi, đã chờ ở đây với những đôi găng tay bảo hộ, xẻng và những thùng đựng cây con.
"Khi chúng tôi nói với mọi người về những việc họ sẽ làm, đôi khi có những người ngạc nhiên hỏi rằng họ sẽ làm gì. Mọi người thấy lạ. Có người không muốn làm, nhưng một vài người khác lại muốn, vậy nên họ tự trao đổi với nhau. Và rồi họ cùng nhau làm", Hsieh nói. Công việc chính là đào hố, cắm cây con rồi lấp đất lại.
Khi những người nông dân-khách du lịch này làm sai hoặc mệt mỏi, ví dụ như giẫm phải cây vừa trồng hoặc la hét khi đào phải con giun, tiếng cười của cô Hseih sẽ đưa họ trở về thực tại. Rồi cô nhắc mọi người giải lao để thưởng thức những chiếc bánh ngọt mà cô đã chuẩn bị sẵn.
"Phải qua trải nghiệm thực tế, những du khách này mới cảm nhận được công việc đồng áng vất vả thế nào", cô Hseih chia sẻ. Sau bốn tiếng lao động dưới ánh mặt trời chói chang, khi chiều muộn, mọi người ngồi nghỉ bên vệ đường, vừa uống nước vừa trò chuyện vui vẻ.
Sau khi dạo một vòng quanh khu ruộng rộng 200m2 vừa được nhóm du khách trồng cây, mục sư Tepiq cảm thấy rất hài lòng. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của chuyến du lịch tại trang trại là để mọi người hiểu được tầm quan trọng của những người nông dân.
Thanh Thảo
Theo South China Morning Post