(SGTT) – Chỉ cần một diện tích không quá lớn như sân thượng, ban công là đã có thể có một vườn rau xanh nho nhỏ. Đây là cách nhiều người dân TPHCM đang thực hiện để tăng cường nguồn cung rau xanh cho gia đình, cũng là một thú vui trong cuộc sống hằng ngày.
Từ tận dụng đất quanh nhà
Đến với công việc trồng rau tại nhà một cách rất tình cờ, Anh Nguyễn Vỹ ở TP Thủ Đức cho biết, ban đầu hai vợ chồng anh chỉ trồng một ít rau xanh ở ban công tại nhà để phục vụ nhu cầu cho con ăn dặm. Anh kể, giàn mướp và khổ qua hai vợ chồng gieo trồng phát triển tốt, dù không được chăm bón kỹ lưỡng nhiều. Khi đó, giàn rau bò lên cả căn nhà ba lầu và cho ra nhiều trái, nên được anh chia sẻ cho hàng xóm và cả bạn bè tại nơi làm việc.
Sau đó, khi chuyển nhà sang một chung cư mới, bên cạnh chung cư có bờ kênh còn hoang hóa. Vợ chồng xanh đã bắt tay vào công việc cải tạo lại một mảnh đất nhỏ để trồng rau với số lượng và chủng loại đa dạng hơn chỗ ở trước đây.
“Mỗi khi đi làm về mệt, ra vườn rau tưới nước hay nhổ cỏ, mình cảm thấy thoải mái và giải tỏa áp lực công việc nhiều, cũng đỡ nhớ quê nữa, vì mình con nhà nông mà”, anh Vỹ cười nói.
Vườn rau của gia đình anh ở cạnh chung cư nên cũng góp phần làm đẹp cho không gian sống, mọi người trong chung cư rất thích. Mỗi chiều, nhiều người đưa con cái xuống đi dạo, xem rau xanh cũng như chỉ dạy thêm cho các bé thêm về các loại rau được sử dụng hằng ngày ở gia đình.
Cũng như anh Nguyễn Vỹ, chị Nguyễn Thị Liên ở quận 8, TPHCM, cũng đã sử dụng mảnh đất trống dối diện nhà để trồng rau do chủ đất chưa xây nhà. Chị đã nhặt sạch đá, gạch, dọn dẹp rác thải… rồi xới đất, bón phân, vun luống nhỏ trồng các loại rau ăn hằng ngày như mồng tơi, rau muống, rau lang, mướp đắng, cà chua, cà tím... Khu vườn được chị trồng chỉ với phân hữu cơ, tưới nước sạch, không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu.
Đến đầu tư hệ thống trồng rau thủy canh tại nhà
Trong khi nhiều hộ gia đình trồng rau xanh bằng đất đựng trong thùng xốp mút, anh Phan Châu Thoàn ở quận Gò Vấp, TPHCM, đã đầu tư công phu hơn cho vườn rau tại gia của mình.
Anh Thoàn chia sẻ, hiện tại vườn rau của gia đình anh được trồng hoàn toàn bằng hệ thống thủy canh độc lập. Hệ thống này bao gồm hạt giống, trụ thủy canh, bơm nước, được anh đầu tư chỉ khoảng hơn một triệu đồng.
“Cách trồng rau thủy canh này nhìn thì có vẻ phức tạp, nhưng thực chất lại rất đơn giản. Trồng rau theo cách này ít sâu bệnh, tiết kiệm được thời gian chăm sóc và diện tích rất nhiều”, anh cho biết.
Anh Thoàn chia sẻ yếu tố quan trọng trong việc trồng rau thủy canh là phải chú ý đến ánh nắng thì cây sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến chỉ số nồng độ dung dịch dinh dưỡng trong bể chứa thủy canh để có thể phù hợp cho từng loại rau và thời điểm cây lớn, như cây con sẽ pha từ 300-400 ppm, cây được 15 ngày sẽ tăng lên 700-800 ppm và duy trì mức này cho đến lúc thu hoạch.
Hiện nay, hình thức trồng ray thủy canh có thể phù hợp trồng được gần như tất cả các loại rau; bao gồm rau ăn lá (cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa, cải bó xôi, xà lách cuộn, xà lách tím, rau muống, rau dền), rau thơm (cần tây, húng quế, mùi tía, tía tô, kinh giới, ngò gai) và các loại rau ăn quả (cà chua, đậu bắp, mướp, bầu, bí).
Từ ngày ươm hạt đến ngày cây cho thu hoạch là 30 ngày, và có thể trồng nhiều loại rau trên cùng một trụ, khi thu hoạch xong sẽ tiếp tục thay giống rau mới và canh tác. Với diện tích gieo trồng và hạt giống cây rau phù hợp, mỗi gia đình có thể hoàn toàn tự cung cấp rau sạch cho mỗi bữa cơm mà không cần đến chợ hay siêu thị.
Minh Hoàng