Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Cô gái 9X lập cộng đồng cùng dọn rác trên 63 tỉnh thành, xây trường bằng rác thải nhựa

(SGTTO) - Chỉ trong ngày 20-12 vừa qua, 3.218 tình nguyện viên thuộc cộng đồng Xanh Việt Nam đã cùng chung tay nhặt rác tại 63 tỉnh thành. Ngoài ra, nhóm đang thực hiện dự án xây trường học đầu tiên ở Việt Nam bằng gạch sinh thái được làm từ rác thải. Và người sáng lập Xanh Việt Nam, đồng thời cũng là linh hồn của các hoạt động bảo vệ môi trường của nhóm là cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Ánh.

Cô gái Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1996, quê ở Đắk Lắk, hiện đang sống ở TPHCM. Công việc chính của cô là nhân viên kinh doanh bất động sản và làm nghề kinh doanh tự do. Ban ngày cô làm công việc kinh doanh, buổi tối cô dành thời gian cho niềm đam mê của mình, đó là cùng với nhóm Xanh Việt Nam đề ra các hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhân dịp gặp cô gái nhỏ nhắn, có nụ cười rất tươi Nguyễn Ngọc Ánh khi cô và nhóm Xanh Việt Nam vừa hoàn thành chương trình dọn rác trên toàn quốc, Sài Gòn Tiếp Thị đã có buổi trao đổi với cô về những dự án thú vị mà nhóm Xanh Việt Nam đang thực hiện.

Sài Gòn Tiếp Thị: Do đâu mà Ngọc Ánh lại thành lập cộng đồng hoạt động vì môi trường Xanh Việt Nam?

- Nguyễn Ngọc Ánh: Có lần khi đi chơi ở Vũng Tàu, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đang chơi đùa với rác trên bãi cát và xung quanh chúng cũng toàn là rác. Lúc ấy, tôi thấy chạnh lòng và tự hỏi tại sao thế hệ trẻ ngày nay lại không được tận hưởng những bãi biển xanh và sạch và cho đến khi nào thì tình trạng này chấm dứt. Nếu bây giờ chúng ta không làm gì thì đợi đến bao giờ?

Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi hành động để bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc nhặt rác và dọn sạch những nơi mà tôi đi qua. Tôi bỏ thói quen dùng đồ nhựa, đi đâu cũng mang theo bình đựng nước, hộp đựng, túi xách... Sau đó tôi tham gia vào cộng động những người nhặt rác đa quốc gia Trashpackers và làm rất nhiều hoạt động trong khoảng hai năm. Đến tháng 8 năm 2019, tôi thành lập một tổ chức phi lợi nhuận cho những người yêu môi trường ở Việt Nam có thể tham gia thuận tiện hơn. Một cộng đồng mang tên Xanh Việt Nam đã ra đời với sứ mệnh “Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”.

Nguyễn Ngọc Ánh đang gom ống hút nhựa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ lúc thành lập đến nay, nhóm đã phát triển như thế nào và hoạt động ra sao?

- Ban đầu, thành viên nòng cốt của nhóm chỉ có 3 người, rồi tăng lên 5 người và hiện nay là 15 người chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức, điều phối hoạt động của nhóm. Để phong trào được nhân rộng, nhóm tuyển thêm các trưởng nhóm ở các tỉnh thành gọi là các đầu cầu. Hiện nay, nhóm đã có 63 trưởng nhóm ở 63 đầu cầu và huy động được gần 10.000 tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động. Từ lúc thành lập, nhóm đã tổ chức hàng trăm cuộc ra quân dọn rác, kết quả là hàng trăm bãi rác tự phát đã biến mất, gần 20.000 bao rác được thu gom trong năm 2020.

Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) và cộng đồng Xanh Việt Nam ra quân dọn rác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoạt động trọng điểm của năm 2020 là chương trình CleanUp Vietnam diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn một vào ngày 31-5 nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với hoạt động nhặt rác tại 40 đầu cầu, huy động 1.380 tình nguyện viên tham gia, thu gom tổng cộng 1.050 bao rác, trong đó có 102 bao rác tái chế. Giai đoạn hai vào ngày 20-12 vừa qua, có 3.218 tình nguyện viên cùng nhặt rác tại 63 đầu cầu, thu gom được 3.088 bao rác, trong đó có 220 bao rác tái chế.

Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các dự án trồng cây xanh, mô hình cá bống ăn rác thải nhựa đặt ở bãi biển và nơi công cộng để nâng cao ý thức phân loại rác thải, các sự kiện đổi rác lấy quà là những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường như ống hút tre, sách vở, sen đá…

Ngoài ra, tôi đã đến gần 20 trường học với hơn 10.000 học sinh, đem tình yêu môi trường để truyền cảm hứng cho các em, từng bước thay đổi ý thức của thế hệ trẻ.

Khi thực hiện chương trình nhặt rác trên 63 tỉnh thành, nhóm có gặp khó khăn gì không? 

- Do chiến dịch diễn ra cùng một ngày trên toàn quốc nên gặp nhiều khó khăn. Xanh Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận nên quỹ còn hạn chế, chưa đủ để giúp các đầu cầu mua dụng cụ nhặt rác, chỉ hỗ trợ được một phần. Vào ngày ra quân, thời tiết rất khắc nghiệt. Miền Bắc rất lạnh từ 3-10 độ C tùy nơi, miền Trung vừa mưa vừa lạnh từ 8-15 độ C nên các tình nguyện viên phải bận áo ấm dày và áo mưa. Nhiều trưởng nhóm còn trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm tổ chức nên nhóm phải hướng dẫn kỹ. Việc họp với các đầu cầu đều qua online nên cũng khá khó khăn.

Nhưng ngược lại, các địa phương lại hỗ trợ rất nhiệt tình như kêu gọi đoàn thanh niên và người dân cùng tham gia, tuyên truyền với người dân địa phương, hỗ trợ xe để tập kết rác tại bãi rác hợp pháp của nhà nước, cung cấp một phần dụng cụ, nước uống và đặc biệt trực tiếp tham gia với nhóm luôn.

Sau khi chương trình CleanUp Vietnam kết thúc, nhóm sẽ thực hiện chương trình gì tiếp theo?

Hiện tại, nhóm đang tập trung vào dự án xây trường học cho trẻ em nghèo bằng gạch sinh thái được làm từ rác thải. Ngôi trường đầu tiên của dự án này nằm ở Trà Vinh. Gạch sinh thái được làm từ những chai nhựa và bao ni lông dùng một lần. Các thành viên của nhóm sẽ dùng đũa nhét bao ni lông vào trong chai, chèn thật chặt nên rất cứng cáp và chắc chắn. Những viên gạch này được xây cùng với xi măng, cốt thép. Gạch được làm từ khắp mọi nơi, sau đó được vận chuyển và tập kết lại nơi xây dựng.

Đây là công việc rất vất vả, gian nan nhưng mọi người không thấy mệt mỏi mà ngược lại còn hăng say với công việc. Trong số những tình nguyện viên tham gia dự án này có cả các em học sinh.

Để xây trường cần 8.000 viên gạch sinh thái hiện nhóm đã làm được 5.000 viên. Công trình cũng đã được đưa vào khởi công và dự kiến đến tháng 3 năm 2021 sẽ hoàn thành.

Nhóm Xanh Việt Nam đang làm gạch sinh thái, xây trường học. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những viên gạch sinh thái từ rác thải nhựa vừa được hoàn thành. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Các em học sinh tham gia xây trường bằng gạch sinh thái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mới thành lập hơn một năm nhưng nhóm Xanh Việt Nam hiện có rất đông thành viên và lan tỏa tinh thần yêu môi trường rộng khắp cả nước, tại sao nhóm lại làm được điều này?

- Những người yêu môi trường ở Việt Nam rất nhiều, nhất là những người trẻ, học sinh, sinh viên. Chí lớn gặp nhau nên khi chúng tôi phát động phong trào nhặt rác hay bất cứ hoạt động bảo vệ môi trường nào, cũng có nhiều người theo dõi, ủng hộ và tình nguyện tham gia.

Nguyễn Ngọc Ánh (trái) đang phát động chương trình đổi rác lấy quà tại quận 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ hành động, tôi và các thành viên nòng cốt, các trưởng nhóm trên khắp 63 đầu cầu luôn chú trọng hoạt động truyền cảm hứng, tuyên truyền và lan tỏa mạnh mẽ tình yêu môi trường cho chính những tình nguyện viên tham gia và người dân xung quanh. Kết quả là tinh thần yêu môi trường được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người.

Ban đầu tôi nghĩ rằng mình cứ làm bằng tình yêu của mình, bắt đầu từ những hành động nhỏ, dùng trái tim mình chạm vào trái tim của người khác, từ từ rồi mọi người sẽ hiểu và thay đổi, sẽ có ý thức giữ gìn môi trường hơn. Nhưng thật không ngờ, mọi người ủng hộ nhiệt tình quá, giúp các hoạt động của nhóm lan tỏa nhanh chóng. Họ sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại lợi ích gì.

Tại sao nhóm không bận đồng phục có logo của nhóm mà lại bận áo cờ đỏ sao vàng, quấn khăn rằn?

- Nhóm mình không may đồng phục mà sẽ bận đồng loạt áo cờ đỏ sao vàng, quấn khăn rằn, không in logo trên áo. Ai cũng có thể mua áo và khăn ở bất cứ đâu. Điều đó muốn nói rằng nhóm không đại diện cho một tổ chức nào hết, chỉ đơn giản là cộng đồng người Việt Nam thôi. Khi bạn bè quốc tế nhìn vào, họ cũng nhận diện được đất nước của chúng ta và hiểu rằng người Việt cũng hết lòng, hết sức vì môi trường. Ngoài tình yêu với môi trường, trang phục của nhóm còn thể hiện tình yêu đất nước.

Mục tiêu của nhóm trong năm 2021 là gì?

- Nhóm sẽ tiếp tục đưa chương trình truyền cảm hứng bảo vệ môi trường vào học đường trên nhiều tỉnh thành hơn. Phối hợp với các cơ quan chức năng, cùng cộng đồng Xanh Việt Nam thực hiện nhiều chiến dịch lớn như dọn sạch rác ở các đảo, bãi biển… trên khắp cả nước. Tiếp tục tổ chức cuộc thi vẽ tranh vì môi trường và thực hiện dự án trồng cây, gieo hạt.

Mục tiêu của nhóm là đến năm 2025, Việt Nam không còn ở vị trí thứ 4 trong các quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới mà sẽ trở thành quốc gia đứng thứ 4 về sạch đẹp nhất Đông Nam Á.

Cám ơn Ngọc Ánh đã chia sẻ 

Quỳnh Châu ghi

  1. Đây là một hành động vô cùng ý nghĩa
    Chúng ta phải chung tay bảo vệ môi trường trong nước và cả bên ngoài nước
    Vì một thế giới chúng ta đang sống bảo vệ ngôi nhà chung cũng là bảo vệ chính căn nhà chúng ta đang sống vì ai lại không muốn sống ở một nơi chất lượng không khí cao không bụi bẩn trong lành ,các chất thải từ xe cộ nhà máy . Còn nguồn nước chúng ta đang sử dụng tuy không phải là nước sạch hoàn toàn vì có chứa nhiều phèn và các chất khác nhưng ít ra nó cũng đã được lọc và sử lí Clo đem lại cho ta nguồn nước ngọt trong sinh hoạt hằng ngày . Nếu chính mỗi chúng ta chung tay cùng xây dựng nên một nơi lọc nước cho mỗi hộ gia đình cực kì lớn nơi mà đã và đang cung cấp nước cho chúng ta hằng ngày trở nên hiện đại và tinh vi hơn như việc có thể đo được lượng nước dùng trong ngày giải pháp tiết kiệm hơn khi chung ta nhận ra tầm quan trọng của nước sạch
    Đó là một điều cơ bản và tối thiểu chúng ta phải có vì có những nước kém phát triển họ thậm chí không có nguồn nước ngọt sạch để sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày
    Rác chúng ta nên phân loại chúng và tất cả phải được tái chế tránh sử dụng tối thiểu tất cả các vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần như thìa ,muỗng ,ống hút ,Bao Nhựa và hột nhựa thức ăn , màng bọc thực phẩm và rất nhiều thứ khác

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề