Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Trưa nay ăn gì: bún mắm đậm đà cho tuần mới

(SGTT) - Bún mắm là một trong số các món ăn đặc sản dân dã của các tỉnh miền Tây sông nước. Tuy có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng đến nay bún mắm đã trở thành một đặc sản của Việt Nam được nhiều người yêu thích do mang hương vị của đồng nội, miền quê với cách nêm ngon đậm đà.

Rau ăn bún mắm phổ biến là kèo nèo, bông súng, hẹ, rau muống, hoa chuối bào, rau đắng… Ảnh minh họa: Cô Ba Bình Dương

Ở Campuchia, bún mắm được nấu từ mắm bò hóc. Còn món bún mắm Việt Nam thường được nấu bằng mắm cá linh hay cá sặc, đây là các loại cá có nhiều tại miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Bạn nên chọn mắm cá Châu Đốc là ngon nhất vì nó mang hương vị đậm đà, tạo sự hấp dẫn cho món ăn.

Trước đây, bún mắm là một món ăn dân dã và được chế biến giản dị. Theo đó, con mắm sau khi nấu rã ra thì lọc lấy phần nước trong, cho thêm một ít đường, hành sả và dùng chung với bún. Về sau để tăng hương vị và độ phong phú cho bún mắm, người ta còn cho thêm cá, tôm, mực và heo quay.

Nét đặc trưng của bún mắm là nước dùng. Nước dùng thường được làm từ mắm cá linh hay cá sặc và tùy theo mỗi người mà có sự nêm nếm khác nhau để món bún có mùi thơm đậm đà. Nếu vị mặn của nước dùng tạo nên từ mắm thì vị ngọt của món ăn được chắt lọc nên từ nước dừa tươi – loại trái quen thuộc có mặt ở khắp các tỉnh miền Tây.

Bên cạnh nước dừa tươi, bạn cũng có thể dùng xương heo hoặc xương gà hầm lấy phần nước lèo để lẩu mắm ngon ngọt hơn. Ngoài hải sản, bạn còn có thể thêm vào nồi nước dùng các loại cá đặc trưng của miền Tây cho món ăn thêm đa dạng như cá hú, cá lóc, cá basa, cá bông lau hoặc cá điêu hồng.

Đã là bún mắm thì phải có mùi mắm thơm ngon, tự nhiên và đặc biệt không bị hôi tanh. Sả và ớt là hai nguyên liệu không thể thiếu được hòa quyện trong nồi bún mắm giúp giảm bớt mùi tanh vốn có của mắm, đồng thời làm món ăn dậy mùi hơn. Ngoài ra, bạn phải biết cách khéo léo canh tỷ lệ mắm - nước sau cho món ăn không bị quá mặn. Khi nấu mắm để lọc qua rây lấy phần nước cốt bạn không nên cho quá nhiều nước vì như vậy sẽ làm loãng phần nước cốt mắm.

Thưởng thức bún mắm không thể thiếu rau xanh. Rau ăn bún mắm phổ biến là kèo nèo, bông súng, hẹ, rau muống, hoa chuối bào, rau đắng… Dọn tô bún mắm kèm đĩa rau ghém và thêm chén nước mắm mặn vắt chanh pha với ớt sả bằm là thơm ngon tròn vị.

Giờ trưa đầu tuần đã gần đến, bạn có thể thưởng thức món ăn này cùng các đồng nghiệp tại một số địa chỉ sau: Bún mắm 144 - Khánh Hội (quận 4), Thiên Bảo - cơm trưa, bún Mắm (quận Tân Phú), Bún mắm 87 (quận 7), Dì Bảy - bún mắm & Bún bò huế (quận 8), Bún mắm và bún bò - đường số 10 (quận 7), Cô Bông - bún mắm - chợ Tân Định (quận 1), Bún mắm Lệ (quận 10), Bún mắm cô Tư Miền Tây - Bông Sao (quận 8), Cô Thơ - bún mắm (quận 4), Quán Nu - bún mắm (quận Phú Nhuận), Bún mắm Hai Lúa (quận Gò Vấp)… Theo đó, một phần bún mắm có giá bán khoảng 40.000 – 55.000 đồng.

Nếu tìm mua được nguyên liệu tươi, bạn cũng có thể nấu món ăn này tại nhà theo công thức sau:

Lâm Như tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối