Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

DJI của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, thị trường drone sắp xáo trộn

Thị trường máy bay không người lái (drone) đứng trước nguy cơ xáo trộn và bất ổn lớn sau khi Mỹ đưa hãng công nghệ DJI Technology của Trung Quốc, nhà sản drone lớn nhất thế giới, vào danh sách đen.

DJI vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ

Bất cứ ai đã đặt hàng mua mẫu drone Mavic 2 Pro của DJI Technology (gọi tắt là DJI) làm món quà Giáng Sinh cho những người đam mê drone có thể thấy mình may mắn. Được trang bị camera cao cấp, Mavic 2 Pro có giá bán khoảng 1.500 đô la Mỹ và được xem là một trong những mẫu drone hàng đầu của DJI.

Hôm 17-12, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa hơn 60 công ty Trung Quốc bao gồm DJI vào danh sách đen để “bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”. Ảnh: The Drone U

Nhưng hôm 17-12, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa hơn 60 công ty Trung Quốc bao gồm DJI vào danh sách đen để “bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”. Động thái này sẽ gây khó khăn hơn cho DJI trong việc mua linh kiện và công nghệ của các công ty Mỹ và có thể gây ra sự xáo trộn lớn trên thị trường drone có gắn camera trên toàn cầu, nơi DJI đang thống trị.

Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng DJI bị đưa vào danh sách đen vì các sản phẩm của công ty được sử dụng để hỗ trợ cho các hành vi lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc và những nơi khác. Đây là cáo buộc mà Trung Quốc nhiều lần phản đối vì cho rằng Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. DJI ngay sau đó cũng đưa ra thông báo bày tỏ nỗi thất vọng trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ và khẳng định khách hàng ở Mỹ có thể tiếp tục mua và sử dụng các sản phẩm của DJI như bình thường.

Việc DJI bị cấm này dĩ nhiên làm vui lòng các đối thủ của họ tại Mỹ. The Financial Times dẫn lời Brendan Groves, Giám đốc bộ phận phụ trách các vấn đề chính sách và quản lý ở Công ty Skydio, một đối thủ của DJI tại Mỹ, nói đáng lẽ DJI phải bị liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ từ sớm hơn. Groves cho rằng DJI đã kiếm được hàng trăm triệu đô la doanh thu mỗi năm nhờ hỗ trợ chính quyền giám sát người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong suốt bốn năm qua.

Trên thực tế, kể từ khi thành lập kể từ năm 2006, DJI đã loại bỏ hầu như mọi đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhờ năng lực sản xuất drone công nghệ cao có giá bán bình dân. Công ty này không công bố số liệu doanh thu nhưng giới phân tích ước tính DJI chiếm khoảng 70-80% thị phần drone thương mại của thế giới và ¾ doanh thu của DJI đến thị trường Mỹ.

Nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung linh kiện từ Mỹ

Giờ đây, DJI đang tìm cách đánh giá tác động của đòn trừng phạt của Mỹ đối với chuỗi cung ứng của công ty này. Nhiều mẫu drone của DJI phụ thuộc lớn vào nguồn cung linh kiện từ Mỹ. Sản phẩm camera tầm nhiệt Zenmuse XT của DJI, một phụ kiện cho drone, đang sử dụng camera của Công ty Flir tại California.

Trong khi đó, sản phẩm drone Spark cỡ nhỏ của DJI sử dụng bộ vi xử lý được sản xuất bởi Intel. Intel từ chối bình luận nhưng Flir cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phản ánh sự thay đổi của chính sách trong tương lai.

Các biện pháp trừng phạt đối với DJI cũng sẽ tương tự như đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) số một của Trung Quốc, bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi năm ngoái. Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép mới có thể bán linh kiện và công nghệ cho DJI. Bộ Thương mại Mỹ có khả năng từ chối cấp phép cho các công ty Mỹ bán các sản phẩm công nghệ được xem là nhạy cảm cho DJI.

Spencer Gore, người sáng lập Công ty sản xuất drone Impossible Aerospace (Mỹ), nói: “Động thái của Bộ Thương mại Mỹ có thể khiến DJI không thể sản xuất nhiều sản phẩm hiện nay nếu không điều chỉnh lớn về thiết kế”.

Một số nguồn tin thân cận với DJI tin rằng DJI sẽ vượt qua tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì hãng này có thể tìm kiếm các nguồn cung khác ngoài Mỹ. Nhưng họ lo ngại tổn hai về danh tiếng sẽ khiến các khách hàng khách rời xa DJI, đặc biệt là các cơ quan công quyền như cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, vốn thường sử dụng drone DJI để hỗ trợ công việc.

Mike Winn, Giám đốc điều hành Công ty DroneDeploy, chuyên cung cấp phần mềm để vẽ bản đồ từ trên không, nói: “Tác động lớn nhất có thể là sự xáo trộn và bất ổn trên thị trường drone”.

Đối với DJI, các mối đe dọa lớn hơn vẫn còn ở phía trước. Hồi đầu năm nay, Nhà Trắng cho biết đang soạn thảo một sắc lệnh nhằm ngăn cấm các cơ quan liên bang sử dụng drone được sản xuất bằng linh kiện của Trung Quốc. Thậm chí, sắc lệnh này cũng sẽ cấm các drone như vậy hoạt động ở trên các phần đất mà chính liên bang quản lý, chiếm khoảng 28% diện tích nước Mỹ. Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp drone tin rằng các quan chức Nhà Trắng giờ đây đang tìm cách thúc đẩy ban hành sắc lệnh này, đặc biệt là sau khi Quốc hội Mỹ gạt bỏ các quy định tương tự trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mới được thông qua gần đây.

Chánh Tài

Theo TBKTSGO, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có thể xin cấp phép bay drone, flycam bằng cách nộp...

0
(SGTT) - Chính phủ vừa phê duyệt phương án đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính thuộc bốn lĩnh vực: mật mã dân...

Kết nối