Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Ăn thịt thiên nhiên

Hồng Phúc -   

Má ơi, đừng gả con xa. Chim kêu, vượn hú (hót), biết nhà má đâu...

Có bao giờ bạn nghe tiếng vượn hót chưa? Tôi đã nghe rồi! Đó là một ngày mùa mưa, chúng tôi ở qua đêm trong rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Năm giờ sáng, trời vừa hé mắt, tiếng hót ngân dài cất lên từng hồi lanh lảnh, khi cao vút réo rắt, khi tha thiết u hoài... Một giọng, rồi vài giọng khác đáp lại, khi độc hành khi hòa tấu vô cùng mạnh mẽ và say mê… Xen giữa các nhịp dồn dập là những khúc ngân da diết buông dài rồi chìm lấp vào hư không. Dường như cả thế giới đang ngái ngủ kia không còn tồn tại, nhân gian chỉ còn duy nhất dàn hòa tấu bằng những tiếng hót bất tận. Chưa bao giờ tôi trải nghiệm một ban mai rộn ràng đến độ tất cả lá cây trong khu rừng đều nhảy múa vì những âm vang trầm bổng cả giờ đồng hồ.

anthitthiennhien

“Chim gì mà hót dữ thế anh?” tôi thốt ra câu hỏi ngốc nghếch với anh nhân viên khu bảo tồn. “Vượn hót đấy. Tiếng vượn đối khẩu và trò chuyện với nhau đầu ngày.” Lạ quá! Anh nói tiếng vượn hót hay và nhiều cảm xúc hơn cả tiếng chim có lẽ vì trí tuệ của chúng tiến hóa hơn chim rất xa. Vượn là một loài rất đặc biệt. Tiếng hót là tình yêu, lẽ sống của cả đời chúng, là cách để chúng tồn tại không giống bất cứ sinh linh nào.

Ngày hôm đó chúng tôi thăm khu chuồng của mấy chú vượn được giải cứu từ nhà dân đang được huấn luyện để đưa trở về rừng hoang dã. Anh Nguyễn Thế Việt, quyền giám đốc Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên, kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về con vượn cái được đặt tên “chị Hai” và con vượn đực tên “Handsome”.

Năm 2014, trung tâm tiếp nhận bốn con vượn đen má vàng bị nuôi nhốt trái phép từ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trong đó có con vượn cái chị Hai. Như tập tính, bốn con tuy bị nhốt để huấn luyện nhưng đều hót vào sáng sớm và chiều tối. Ở phía rừng nguyên sinh, một con vượn đực hoang dã nghe được tiếng hót của chị Hai và nó “phải lòng”. Hai con đối đáp với nhau qua tiếng hót và cuối cùng con vượn đực tìm đến chuồng nơi bốn con vượn được cứu hộ đang ở.

Vì chị Hai bị người dân nuôi nhốt quá lâu nên đã mất đi bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên (sinh hoạt, tìm thức ăn) và chưa thể về lại với rừng. “Chị” trong song sắt B40, “anh” ngoài song sắt. Handsome chỉ quanh quẩn mấy trăm mét quanh chuồng chị Hai. Chúng âu yếm nhau qua hàng rào sắt. Nhưng rồi Handsome “ghen” và gây gổ với các con vượn ở chuồng bên cạnh chị Hai nên cán bộ của trung tâm phải gây mê nó và đưa vào một khu rừng cách đó khoảng 10 km để cách ly bốn con vượn đang cứu hộ. Nhưng 10 tháng sau, Handsome tìm về chỗ cũ với chị Hai. Chúng âu yếm nhau qua hàng rào B40 và một thời gian sau con vượn cái trong chuồng có bầu, sinh ra một vượn con. Hai mẹ con trong chuồng, vượn bố quanh quẩn khu vực rừng gần đó bên ngoài. Giờ đây vượn con đã gần ba tuổi, trung tâm thí điểm thả hai mẹ con ra và gia đình chúng đang sống quẩn quanh ở khu bìa rừng bán hoang dã gần đó.

Một cán bộ trung tâm đã kể lại câu chuyện khác về gia đình chà vá chân đen, một loài linh trưởng quý hiếm cũng đang được họ bảo vệ. Câu chuyện này do một thợ săn bị bắt khai báo với cán bộ kiểm lâm khoảng sáu năm trước. Muốn bắt chú chà vá con xinh xắn đem bán, một kẻ săn trộm đã bắn chà vá mẹ trong rừng. Mặc dù bị thương, chà vá mẹ vẫn ôm con chuyền cành và hú gọi chà vá bố đang kiếm thức ăn quay về. Khi chà vá bố về đỡ lấy con thì chà vá mẹ mới ngừng kêu và tắt thở. Thợ săn bắn tiếp chà vá bố, trúng viên đạn, chà vá bố vẫn ôm chặt con và sau gần một giờ đồng hồ chống chọi, chà vá bố rơi xuống đất chết nhưng tay vẫn ôm chặt con. Gã thợ bắt con non mang đi nhưng sau đó, chà vá con tự cắn đứt chân mình khỏi xích rồi tìm về nơi bố mẹ bị bắn chết.

Vượn đen má vàng là loài linh trưởng tồn tại cùng tiếng hót. Một gia đình hay đàn vượn có thể cai quản vùng rừng 15-50 ha và không cho đàn khác xâm phạm. Tiếng hót của chúng cất lên liên tục vào đầu ngày để bảo vệ gia đình và ngôi nhà của chúng khỏi những kẻ xâm phạm, khẳng định chủ quyền và chứng minh sự khỏe mạnh sung mãn của con vượn đực đầu đàn. Vào mỗi buổi sáng lúc mặt trời mọc, mỗi gia đình đều đồng thanh xướng lên các bản nhạc của mình đối khẩu để thông báo với nhau “tin tức” và khẳng định vùng cư trú cũng như tình trạng từng bầy. Điều quan trọng nhất là chúng phải luôn thể hiện tiếng hót sung mãn nhất. Một tiếng hót yếu có thể là tín hiệu để kẻ thù hay hàng xóm đến xâm lấn hay chiếm giữ bạn tình. Con non sống với bố mẹ đến khoảng 10 tuổi. Vượn bố và vượn mẹ tấu lên bản giao hưởng của chúng và vượn con cứ theo tiếng hót mà đi. Sau 10 tuổi con đực sẽ học hót tiếng mỹ miều để dẫn dụ bạn tình. Các cô vượn cái ít hót hơn, chúng lắng nghe tất cả tiếng hót của các chàng vượn đực xung quanh, tìm ra con vượn đực nào có giọng hót hay và khỏe nhất để kết đôi và sống chung.

Những người làm công tác bảo tồn thú hoang dã cho biết, linh trưởng (trong đó có vượn và chà vá) là loài giống con người nhất vì hơn 99% bộ gen của chúng giống với gen người. Mắt chúng gần nhau và nhìn được hình ảnh ba chiều, ước lượng khoảng cách chính xác như người. Hành vi, sinh hoạt của chúng khôn khéo và cảm xúc yêu thương, gắn bó với nhau không kém người. Nhưng bất hạnh thay, chúng bị con người tìm diệt đến mức vượn đen má vàng (chỉ còn nhìn thấy ở Campuchia và Việt Nam) hiện chỉ còn khoảng 25.000 con trên thế giới, được xếp vào loài nguy cấp nghiêm cấm săn bắt, theo Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên (Dao Tien Endangered Primate Species Center).

Vì sao chúng bị con người săn bắt? Vì chúng rất hiếm, khôn và đáng yêu nên nhiều người thích nuôi làm trò vui, làm quà biếu, làm thuốc. Có người mù quáng, tin rằng ăn thịt chúng thì bổ. Vượn, chà vá là hai trong sáu loài linh trưởng ở Việt Nam nằm trong danh sách nguy cấp. Luật đã cấm săn bắt thú rừng, đặc biệt là các loài có tên trong sách đỏ, vậy mà việc kinh doanh, buôn bán, ăn thịt thú rừng vẫn công khai tồn tại ở nhiều nơi. Hầu hết các loài đang được anh Việt và các chuyên gia nước ngoài, các cộng sự cứu hộ ở đây như voọc bạc, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, vượn đen má trắng, cu li, gấu… được giải cứu từ các gia đình đang nuôi nhốt, từ các nhà hàng ở Hà Nội, TPHCM. Một số con vì những vết thương do sự tàn ác của con người gây ra như gấu bị cưa mất bàn tay (để bán), ruột bị hoại tử do bị lấy mật, nhiều con bị tật do bắn, bẫy. Có những con không biết tìm thức ăn nữa do bị nhốt quá lâu nên không còn bản năng sinh tồn trong tự nhiên, chúng sẽ ở đây đến hết đời.

Chúng tôi thấy ở đây hình ảnh một chuyên gia người nước ngoài rớm nước mắt bế con chà vá đã chết do tự cắn đứt chân mình để thoát khỏi bẫy. Nhiều con vật xinh đẹp đó không có cơ hội được cứu hộ, chúng bị giết hoặc thui, đông đá tại chỗ và chuyển qua biên giới. Các loài linh trưởng do tiến hóa cao nên rất trung thành với nhóm, bầy. Một con bị thợ săn bắn cả đàn không đi mà đứng đó với con bị thương nên thợ săn khi nào cũng bắt được cả gia đình hay cả đàn. Nhiều hình ảnh kiểm lâm lưu lại, khi bị kẻ xấu làm thịt xong, cả bầy vượn nằm xếp hàng với đôi mắt mở to như một bầy trẻ con – những sinh linh không còn cơ hội cất lên tiếng hót tuyệt vọng cuối cùng.

Ở trung tâm cứu hộ, sau khi được phục hồi chức năng sinh tồn, các con vật được thả ra để tìm về thiên nhiên hoang dã. Song các cán bộ cho biết, ngay cả những con đã tái hòa nhập với rừng thì nguy cơ chúng bị tái bắt, giết còn rất cao. Sự tồn tại của thú hoang dã phải đi kèm với sức khỏe của rừng và lương tri con người.

Ai sẽ giúp nhiều người hiểu rằng ăn thịt thiên nhiên là ăn thịt chính mình, rằng chúng ta chỉ vẹn nguyên khi biết khiêm nhường trước thiên nhiên và trời đất, biết tôn trọng cuộc sống của các loài khác như lợi ích của mình?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Còn 143.000 thuê bao 2G đang bị khoá 2 chiều vì...

0
(SGTT) - Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đến thời điểm này, cả nước còn 143.000 thuê...

Bộ Công Thương yêu cầu không để thiếu hàng, tăng giá...

0
(SGTT) - Bộ Công Thương đề nghị các sở công thương và các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất,...

TPHCM thay thế hơn 3.400 cây xanh có tình trạng hư...

0
(SGTT) - Trong 10 tháng đầu năm 2024, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã thay thế 3.425 cây xanh có...

Đầu tư vào đất nông nghiệp vùng ven: Được gì và...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu tìm kiếm một không gian sống gần gũi với thiên nhiên...

Về Thanh Hóa ngắm bình minh trên bãi Đông

0
(SGTT) - Bãi Đông nằm trên bán đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sở hữu cảnh sắc còn khá hoang...

Bữa trưa quốc tế cùng món bánh Shawarma

0
(SGTT) – Có những nét tương đồng bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, món bánh Shawarma của người Ấn Độ vẫn có...

Kết nối