Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Đi Bãi Dương “đỡ đẻ” cho rùa biển

(SGTTO) - Bọn rùa làm tôi rất ngạc nhiên ở cái khả năng chịu đựng. Chúng cố gắng đào cho được cái hố sâu, dù gặp nhiều trắc trở. Rồi sau khi đẻ, dù đã thấm mệt nhưng vẫn dùng hai cái vây để lấp kín hố cát, xóa sạch dấu vết để bảo vệ tổ trứng rồi mới lết về biển.

Hằng năm vào dịp hè, một số tổ chức, vườn quốc gia như Côn Đảo, Bù Gia Mập… kêu gọi tình nguyện viên tham gia bảo vệ rùa biển trong mùa sinh sản. Đây là cơ hội để các bạn trẻ, nhất là thanh thiếu niên có kiến thức thêm về thiên nhiên và ý thức bảo vệ động vật hoang dã.

Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu bài viết của bạn Trần Thị Ngọc Huyền (TPHCM) sau chuyến đi đến Côn Đảo tham gia bảo vệ rùa biển trong tháng 7 vừa qua.

Điều thú vị ở Bãi Dương

Mười giờ tối thứ Bảy, tôi đến Bến xe miền Tây (TPHCM) đón xe xuống cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Từ đó tôi sẽ tiếp tục ngồi tàu cao tốc 2,5 tiếng để ra Côn Đảo, đi “đỡ đẻ” cho rùa theo chương trình "Tình nguyện viên Bảo tồn rùa biển Côn Đảo 2020" của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN).

Tôi chọn đến Côn Đảo bằng cách “lội ngược dòng” xuống Sóc Trăng. Vì cách này chỉ tốn 470.000 đồng, tiết kiệm hơn một nửa so với việc đi từ TP Vũng Tàu.

Baĩ Dương
Một góc Bãi Dương. Ảnh: Huyền Trần

Địa điểm tôi được phân công là Bãi Dương. Lên Internet tìm kiếm thông tin về địa danh này nhưng kết quả nhận lại khiến tôi khá hụt hẫng. Tôi thậm chí còn chẳng biết vị trí Bãi Dương nằm ở đâu ngoài Côn Đảo. Thay vì lo lắng, tự nhiên tôi lại thấy thú vị. Đi đến một nơi mà Google Map còn không chỉ rõ được thì đúng là thú vị!

Đặt chân đến Bãi Dương tôi mới nhận ra một sự thật lần đầu tiên đối mặt trong đời: tôi trở thành người đẹp gái nhất đảo! Tổng số thành viên ở đảo chỉ có 3 người: anh Ân, tôi và anh Cường là kiểm lâm thường trực tại đảo. Ngoài ra thì còn một số thành viên khác có thể đếm được là 1 con mèo, 2 con chó, 5 con bồ câu, 6 con gà. Đến ngày thứ tư thì trạm được tăng cường thêm anh Ninh, quân số lên đến tận 4 người.

Bãi Dương không có khách du lịch như hòn Bảy Cạnh hay hòn Cau,… lương thực và các vật dụng tiếp tế đều là gửi nhờ cano của vườn quốc gia hoặc tàu đi ngang qua. Thế nên suốt tám ngày ở đây, bọn tôi không gặp thêm bất kỳ người lạ nào khác, cũng không mua sắm thêm thứ gì.

Điều kiện sống ở đây cũng khá đầy đủ với nước ngọt được hứng từ nước mưa trữ trong nhiều bồn lớn, điện từ năng lượng mặt trời chạy phà phà, sóng điện thoại, 3G mạnh như sóng biển, tivi có hẳn truyền hình kỹ thuật số...

Đến Bãi Dương, bài học đầu tiên của tôi và anh Ân là nấu cơm bằng bếp củi. Hai anh em như thám hiểm một chân trời mới, cho bao nhiêu gạo, bao nhiêu nước là vừa đủ, nhóm bếp thế nào…

Bài học thứ hai trong ngày là cách xem mực nước thủy triều. Có một cái bảng theo dõi mực nước lên xuống mỗi ngày. Nhìn vào đó sẽ biết khi nào nước lớn, khi nào nước ròng. Nước lớn là rùa mẹ sẽ lên bãi để đẻ.

Những đêm thức canh rùa mẹ

Buổi sáng đầu tiên ra biển làm nhiệm vụ chính lúc 4:00 giờ sáng, trăng vẫn còn sáng mờ ảo trên trời, soi bóng xuống mặt biển. Bọn tôi tắt đèn, lặng lẽ theo anh Cường đi xuống bãi cát phía trước trạm kiểm lâm.

Khi mắt còn chưa quen với không gian xung quanh thì anh Cường đã ra hiệu có rùa lên đẻ. Vết tích để lại là một vệt chân dài trên cát từ mép nước kéo đến tận sâu trong lùm cây, to như bánh xe tăng. Anh Cường đến kiểm tra rồi bảo tôi và anh Ân có thể đến bật đèn xem vì lúc này rùa mẹ đã đẻ.

Bãi Dương
Lần đầu tiên nhìn thấy rùa biển đẻ trứng. Ảnh: Huyền Trần

Lần đầu thấy rùa đẻ tôi mắt tròn mắt dẹt. Rùa mẹ vốn quen sống dưới biển, dùng vây để bơi, khi lên bờ cát đẻ chúng sử dụng những cái bơi ấy một cách thành thục để đào cái hố đủ sâu. Sau đó sẽ chui vào đấy để rặn đẻ trứng, có khi là vài chục, có khi là cả hơn 100 trứng.

Quy trình để đẻ của một con rùa trung bình tầm 3 tiếng: lên bờ – xác định vị trí đào hố – đào – đẻ – lấp hố – trở về biển.

Ngày nào bọn tôi cũng ra bãi 2 lần như thế: buổi tối tầm 8:00 giờ và sáng sớm lúc 4-5:00 giờ. Có những ngày ngồi quan sát bọn rùa đến mức ngủ gật trên tảng đá. Nhiều rùa mẹ thích chọn những bãi cát nhấp nhô đá nên dù hì hục, chăm chỉ vẫn không đào được hố cát.

Có con lên làm việc quần quật 4-5 tiếng, đào hết 3-4 cái hố đều trúng đá, bới cát rầm rầm tung tóe rồi mệt quá lại bò xuống biển, hôm sau bò lên vẫn “ngựa quen đường cũ”, đào lại đúng cái hố nó đã thất bại ngày hôm trước. Có con bò xuống biển sau khi chôn ổ trứng lại lựa đúng con đường gồ ghề, rồi kẹt ngay giữa tảng đá, anh Cường phải dùng tay nhấc nó lên để nó về biển.

Bãi Dương
Tổ trứng rùa nằm cạnh hóc đá to. Trứng rùa tròn như quả bóng bàn, vỏ mềm, chịu được va đập. Ảnh: Huyền Trần

Bọn rùa làm tôi rất ngạc nhiên ở cái khả năng chịu đựng. Chúng cố gắng đào cho được cái hố sâu, dù gặp nhiều trắc trở. Rồi sau khi đẻ, dù đã thấm mệt nhưng vẫn dùng hai cái vây để lấp kín hố cát, xóa sạch dấu vết để bảo vệ tổ trứng rồi mới lết về biển.

Rùa mẹ có trọng lượng lên đến cả tạ, vì thế sức mạnh của chúng cũng rất kinh khủng, quạt cát bay tung tóe, có khi làm gãy cả cành cây. Sở dĩ cần lưu ý điều này vì bọn tôi còn phải làm một việc khi chúng đẻ đó là kiểm tra thẻ rùa.

Thẻ rùa dùng ghi mã số theo dõi, được bấm vào vây bơi trước của rùa, ý nghĩa như số báo danh theo suốt cuộc đời vậy. Mã số bắt đầu bằng CD hoặc VN, tiếp theo sẽ là 4 con số. Số 12 và 13 là mã số Bãi Dương. Những ngày ở đây tôi gặp rất nhiều mã số này, nghĩa là những con rùa ấy đã từng lên Bãi Dương đẻ, giờ chúng quay lại “thăm chiến trường xưa”.

Nhiều hồi rõ ràng tôi với anh Ân ngồi quan sát không rời mắt từng bước đào hố, đẻ rồi lấp hố, còn chụp hình lại, thế mà chật vật mới tìm ra vị trí chính xác tổ trứng để mà đào. Có khi 3 anh em châu đầu lại phân tích 1 bức ảnh, so sánh vị trí từng cái lá, cành cây, thiếu điều mang thước ra để tìm dấu vết.

Vậy mới thấy tầm quan trọng của cái cây xiên đánh dấu lúc rùa mẹ đẻ. Nghĩa là lúc rùa mẹ đẻ trứng, bọn tôi phải nhanh chóng xiên 1 cái cành cây vào cát đánh dấu.

Có hôm anh em tui đã phải bới đến 4-5 cái hố chỉ vì không xác định được đúng lối đi, mệt muốn nằm ra bãi cát luôn. Mấy lúc vậy thỉ ước có cái máy dò xuyên cát, cảm ứng được vị trí có trứng, hoặc như anh Cường hay bảo “anh linh cảm được”, và tôi thì tin sái cổ vì lần nào ảnh cũng đúng.

bãi Dương
Một rùa mẹ tìm đường trở về biển sau khi đẻ trứng. Ảnh: Huyền Trần

Tôi nhớ mãi buổi sáng đó tôi đào trứng của một con rùa, ngay sát mép bờ cát và một mình với số trứng kỷ lục: 138 trứng. Lần đầu đào một mình tôi hồi hộp lắm, vì sợ tìm không ra tổ.

Lúc này, anh Cường về bãi bên kia kiểm tra, anh Ân lại đang canh 1 rùa mẹ khác gần đó. Thế là chỉ có tôi tôi nằm bò ra bãi cát đào bới, cát sụt mấy lần. Ghét nhất khi đào tổ trứng bị sụt cát. Nhiều khi bới được vài quả trứng thì cát lấp kín, lại phải hì hục moi từ đầu. Anh Cường bảo mưa còn đỡ, trời nắng, thì cát khô, đào đi đào lại là chuyện thường.

Đó cũng là buổi sáng ghi nhận kỷ lục của mùa rùa năm đó: 7 tổ trứng được thu gom. Tôi đào xong ổ bên bờ biển, khệ nệ bưng sọt trứng về hồ ấp thì anh Cường gọi mang thêm sọt ra bãi sau, 5 tổ đang chờ. Tôi nhìn về phía đảo lớn, mưa đang trắng trời, vội vàng ba chân bốn cẳng 2 tay xách 2 sọt trứng về. Bò ra đào hố cát trong hồ ấp khi chưa ăn uống gì, may mà cơn mưa chỉ nhỏ vài giọt lắc rắc.

Không chỉ là trực rùa

Phần lớn thời gian của công việc tình nguyện là dành cho việc trực canh rùa mẹ lên đẻ để di dời trứng về hồ ấp kịp thời. Nghe mấy anh kiểm lâm kể lại, ngày xưa trứng rùa không cần di dời mà cứ để chúng đẻ trên bãi cát rồi nở tự nhiên. Tuy nhiên sau này, nhiều người trộm trứng rùa, thậm chí sẵn sàng xẻ thịt rùa mẹ chỉ để lấy trứng bán với giá vài trăm ngàn một quả.

Vì thế mới cần đến bọn tôi, cần đến các tình nguyện viên thực hiện một công việc can dự vào tiến trình sinh nở tự nhiên của rùa là di dời tổ trứng về hồ ấp. Việc di dời này cũng cần thực hiện muộn nhất là 6 tiếng sau khi rùa mẹ đẻ trứng, sau khoảng thời gian này trứng hình thành phôi, việc di chuyển sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của rùa con.

Hồ ấp trứng rùa là một mô hình thu nhỏ của bãi cát tự nhiên. Trứng rùa di dời từ ngoài bãi về sẽ được chôn xuống 1 cái hố sâu chừng 60cm, giống với cái hố mà rùa mẹ đã đào. Có một cái cọc đánh dấu số thứ tự, số trứng, ngày bắt đầu ấp. Sau khoảng 50-60 ngày, rùa con sẽ nở. Chúng nó sẽ đội cát chui lên mặt đất.

Bãi Dương
Di dời trứng từ bãi biển về hố ấp. Ảnh: Huyền Trần

Đến lúc này lại cần đến sự giúp sức của tình nguyện viên, mang lũ rùa con thả ra biển, trả chúng về môi trường tự nhiên để bắt đầu cuộc chiến sinh tồn với tỷ lệ lên đến 1/1.000. Sau khi sống sót qua khỏi vùng nước nông gần bờ, rùa con sẽ bơi điên cuồng ra đại dương không ăn không ngủ trong vòng 3-5 ngày cho đến khi gặp được dòng chảy lớn. Từ đây, chúng mới bắt đầu kiếm ăn, rồi mất tích hẳn 15 năm đầy bí ẩn. Không ai biết chúng đi đâu, làm gì, sống thế nào. Thiệt là ngộ nghĩnh!

Mà mỗi tổ rùa con cũng có “phong cách” khác nhau, có tổ chưa dỡ sọt ra đã thấy chúng nó nhao nhao bò lên đầu lên cổ nhau đòi sổ lồng. Cũng có tổ như kiểu chưa tỉnh ngủ, đờ đẫn cả người, xách ra tới bờ biển, thả ra bãi cát rồi vẫn nằm lim dim…

Sau khi thả rùa về biển rồi thì việc còn lại là vệ sinh tổ rùa, công việc tôi “sợ” nhất. Bởi thực tế của công việc ấy là thu gom vỏ trứng rùa sót lại sau khi nở, thỉnh thoảng sẽ phát hiện ra một vài em rùa sinh sau đẻ muộn còn đang nằm trong cát, rồi cũng sẽ gặp phải những em đã chết từ trong phôi thai hay thậm chí đã thành hình. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, tỷ lệ nở của các tổ rùa cũng khá cao, chỉ khoảng 5-10% số trứng không có phôi hoặc chết phôi.

Một đàn rùa con sắp được thả về biển cả. Ảnh: Huyền Trần

Ngoài ra, các tình nguyện viên như tôi cũng được trải nghiệm thêm một vài việc khác như san lấp các hố cát ngoài bãi mà rùa mẹ để lại, nhặt rác trôi dạt từ biển vào bờ cát, phụ các anh kiểm lâm làm nhà, làm bồn cây, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng… Mỗi việc đều được thử một chút, để biết và để hiểu, bình thường các anh kiểm lâm lúc không có tình nguyện viên đã vất vả thế nào.

Anh Cường, nhân viên kiểm lâm trên đảo, bảo ai yêu thiên nhiên mới làm được công việc này. Tôi cũng tin như thế, khi gặp lại các đồng đội sau 8 ngày chia cắt về từng đảo nhỏ, nhìn da ai cũng đen sạm đi, chân tay đầy vết muỗi, bù mắt cắn nhưng đứa nào cũng cười toe toét vì những gì đã trải qua.

Thứ Ba, ngày 17-12, Sài Gòn Tiếp Thị Online sẽ có buổi trò chuyện với Chuyên gia sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung về chủ đề Gieo hạt mầm tình yêu thiên nhiên vào lòng con trẻ. Mời các bạn cùng đón xem. Ông Trung là người thường xuyên tổ chức các khóa tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, cứu hộ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Huyền Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề