(SGTTO) - Trong khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp nơi, các bác sĩ, chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, còn có nhiều loại vi khuẩn vi rút khác cũng đang lưu hành, chúng có thể tàn phá hệ hô hấp của trẻ nhỏ.
- .12 nguyên tắc dinh dưỡng trong phòng ngừa viêm phổi cấp do virus Corona
- .Phòng bệnh viêm phổi lúc giao mùa
Bệnh viện “đông đặc” bệnh nhi viêm phổi
Chị Nguyễn Thị Nhân (31 tuổi, ngụ Long An) có con gái 5 tuổi bị viêm phổi nặng, phải điều trị kháng sinh liều cao tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TPHCM). Hai tuần trước, con gái chị có biểu hiện sốt cao, khó thở, giọng nói khàn đi.
Nghĩ rằng con chỉ bị bệnh hô hấp thông thường khi chuyển mùa, chị Nhân chỉ cho con uống thuốc mua gần nhà mà không đến bệnh viện kiểm tra. Sau 10 ngày uống thuốc, tình trạng sốt cao vẫn không dứt, bé gái người đờ đẫn, không còn chút sức lực. Có lúc sốt cao đến 40 độ C.
Đưa con vào bệnh viện, các kết quả xét nghiệm máu cho thấy, con bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Các bác sĩ phải làm thêm nhiều xét nghiệm để tìm ổ nhiễm trùng như phân tích nước tiểu, chọc dò tủy sống… “Chỉ lơ là một chút, không chữa dứt điểm cho con khi mới phát bệnh đã khiến con đối mặt với viêm màng não”, chị Nhân lo lắng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, viêm phổi đã giết 2 triệu trẻ em mỗi năm trên toàn cầu, nhiều hơn con số tử vong do bệnh AIDS, sốt rét, Covid-19 và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có một trẻ tử vong do căn bệnh này.
Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em sẽ giúp bố mẹ “phản ứng nhanh” khi trẻ không may mắc bệnh cũng như bảo vệ con một cách tốt nhất.
Đếm nhịp thở để phát hiện sớm
Là nỗi ám ảnh của hầu hết phụ huynh có con nhỏ, thế nhưng, theo TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM (huyện Bình Chánh), nếu trẻ viêm phổi được phát hiện sớm, việc chữa trị sẽ đơn giản hơn, trẻ nhanh khỏi bệnh và tránh được nguy cơ bệnh nặng, tử vong.
Bên cạnh triệu chứng ho, khó thở, việc theo dõi nhịp thở của em bé là rất quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh viêm phổi. Bé thở nhanh là dấu hiệu bệnh nhi đã chuyển từ bệnh hô hấp thông thường sang viêm phổi.
“Đây là dấu hiệu để phát hiện bệnh viêm phổi sớm hơn cả việc bác sĩ thăm khám bằng ống nghe và đưa bé đi chụp X-quang phổi. Đôi lúc, chụp Xquang chưa phát hiện,bác sỹ dùng ống nghe cũng chưa phát hiện nhưng khi đếm nhịp thở, ba mẹ đã có thể phát hiện ra tình trạng bệnh của con”, BS Nhiên thông tin.
Còn theo BS CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa hồi sức Tích cực – Chống độc thuộc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, thở nhanh được phát hiện thông qua cách đếm nhịp thở của trẻ và quan sát lồng ngực.
Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, thở nhanh được tính khi nhịp thở của trẻ từ 60 lần/phút trở lên. Đối với trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi: thở nhanh khi nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
Với trẻ từ 1 – 5 tuổi, thở nhanh được ghi nhận khi trẻ có nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên. Cha mẹ cần đếm nhịp thở của con khi con nằm im,không gắng sức.
Cha mẹ cũng được khuyến cáo không đếm trong vòng 15 giây rồi nhân lên 4. Vì trẻ sơ sinh có nhịp thở không đều, có thời gian ngưng thở tạm thời… nên cha mẹ cần đếm nhiều lần để đảm bảo độ chính xác. Cùng với việc đếm nhịp thở, cha mẹ cũng quan sát dấu hiệu rút lõm lồng ngực của trẻ khi thở.
Để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ, BS Vũ cho rằng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tiêm phòng cúm và quan sát các triệu chứng hô hấp, kiểu thở và nhịp thở của trẻ kĩ càng.
“Những điều nhỏ nhặt sẽ tạo ra tác động lớn, đặc biệt là đối với những trẻ nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm chút từng phút của chúng ta để giữ bọn trẻ an toàn”, BS Vũ nhắn nhủ.
Theo TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, khi chăm sóc cho trẻ bị viêm phổi, cha mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn lõng, ăn nhiều lần. Không nên ăn lượng nhiều thức ăn một lúc vì trẻ dễ bị ói. Ngoài ra,cần cho trẻ uống nhiều nước để giúp loãng đờm, nhanh phục hồi hơn.Cũng cần giữ trẻ đủ ấm, thường xuyên nhỏ nước muối vào mũi, làm sạch mũi cho bé để bé dễ thở hơn.
Nam Bình