Minh Oanh -
Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) hồi giữa tháng này đã nhận hai robot có tên Nao từ Nhật Bản để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Ở Việt Nam, robot đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp, nhưng trong lĩnh vực giáo dục là điều khá mới mẻ.
Theo nhà sản xuất SoftBank (Nhật Bản), Nao là robot mang hình dáng con người có chiều cao 58 cm, được tạo thành từ hàng trăm bộ cảm biến, động cơ và phần mềm điều khiển bởi hệ điều hành Nao iOS. Hai robot được chuyển đến trường Lạc Hồng vào ngày 14-11 vừa qua sẽ phục vụ cho các giáo viên và sinh viên thuộc khối chuyên ngành kỹ thuật. Trong thời gian sắp tới, ban giám hiệu nhà trường sẽ mua thêm bảy robot nữa cho nhu cầu giảng dạy và học tập.
Robot Nao ngoài việc thực hiện hàng loạt các tương tác với người xung quanh còn có thể hướng dẫn sinh viên học ngoại ngữ, phát âm chuẩn như người bản ngữ. Ảnh: Vân Ly
Với robot Nao, người sử dụng can thiệp vào phần mềm (bộ não) để điều khiển phần cứng (đầu, mình và tay chân). Các giáo viên và sinh viên có thể nghiên cứu và phát triển các thuật toán mới để làm cho bộ não của robot ngày càng thông minh và robot làm được nhiều động tác, nhiều việc giống như con người hơn.
Mới ở giai đoạn nghiên cứu
Một chuyên gia trong lĩnh vực robotic (ngành khoa học - kỹ thuật chuyên về nghiên cứu và chế tạo robot) thuộc Tập đoàn FPT cho biết, cách đây vài năm các nhà khoa học thế giới đã bàn đến chuyện tương lai sau kỷ nguyên Internet là gì, nhiều người cho rằng đó chính là robot. Nay, thị trường robot trên thế giới đã thực sự bùng nổ, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế chung này. Phát triển và ứng dụng robot là phương thức tác động lên kế hoạch công nghiệp hóa-hiện đại hóa nhanh nhất.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu về robot từ cách đây 30 năm. Trong giai đoạn ban đầu, những đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ loại này tập trung vào các lĩnh vực tự động hóa, cơ khí chế tạo do các tổ chức về khoa học và công nghệ thực hiện, như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa thuộc Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Viện Cơ học và Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam... Cùng với các kết quả về thực nghiệm, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về robot đã được công bố trên các tạp chí khoa học-kỹ thuật trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các cuộc hội nghị khoa học quốc tế về robot.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp robot vẫn chưa hình thành một cách rõ nét ở Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh robot Việt Nam vẫn phát triển mang tính tự phát. Trong việc xây dựng các chính sách của Nhà nước cũng chưa đề cập đến việc phát triển ngành công nghiệp robot hiện tại và trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển được các loại robot thông minh, nhưng do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp robot chưa phát triển, các thiết bị kiểm tra, kiểm định chất lượng robot chưa có hoặc có chưa đầy đủ và quy mô thị trường còn hạn hẹp nên không đủ điều điện để phát triển các loại robot dạng này. Vì vậy, xu hướng hiện nay vẫn dừng lại ở việc phát triển các loại robot công nghiệp.
Và những ứng dụng ban đầu
Xếp Việt Nam vào một trong những thị trường tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á, hãng SoftBank đã phối hợp cùng đối tác FPT để tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề robotic vào cuối tháng 8 vừa qua, sau đó đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển robot, Ban Công nghệ của Tập đoàn FPT, cho biết theo bản thỏa thuận hợp tác, SoftBank sẽ cung cấp phần cứng (robot), còn FPT hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong ngành giáo dục-đào tạo để phát triển phần mềm ứng dụng chạy trên thiết bị đó. SoftBank hiện là một trong những nhà cung cấp robot hàng đầu trên thế giới nhưng hiện các ứng dụng robot của nhà cung cấp này mới hướng đến thị trường bản địa và các quốc gia nói tiếng Anh. Với việc hợp tác với FPT, SoftBank muốn đẩy mạnh ứng dụng robot vào Việt Nam.
“FPT đang nghiên cứu để sau này có thể sử dụng robot vào việc bán vé máy bay, vé tàu... và nhiều ứng dụng khác trong đời sống”, ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Quang Ngọc, Phó chủ tịch Tổ chức Giáo dục Mỹ (IAE), cho biết trong thời gian vừa qua, các giảng viên của tổ chức này đã phối hợp cùng với đội ngũ lập trình viên của FPT để xây dựng phần mềm ứng dụng đào tạo và “dạy” kiến thức cho Nao. Việc này nhằm giúp chú robot không chỉ đơn thuần lặp lại các câu hỏi đáp có sẵn, mà có thể tương tác với con người theo ngữ cảnh, hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em.
Bà Ngọc kỳ vọng rằng việc đưa robot vào hoạt động giảng dạy sẽ mang lại những dấu ấn mới trong lĩnh vực giáo dục. Những chú robot Nao sẽ lần lượt xuất hiện tại các lớp học tiếng Anh thuộc hai đơn vị của IAE là Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC nhằm tạo cảm hứng, kích thích sự tò mò và yêu thích môn học tiếng Anh hơn nơi học sinh.
Ông Takashi Morimoto, Tổng giám đốc SoftBank Telecom Việt Nam, nói ông tin tưởng vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Mặc dù bắt đầu khá muộn, nhưng Việt Nam sẽ có những sự tăng trưởng vượt bậc để bắt kịp các nước khác trong cùng khu vực như Singapore, Hàn Quốc... Ông cũng cho biết hiện nay SoftBank đang có ba sản phẩm robot hình người là Nao, Pepper và Romeo. Trước mắt, SoftBank chọn Nao để tiến vào thị trường robot ứng dụng tại Việt Nam. Bởi Nao là một robot thông minh, có khả năng nhận dạng giọng nói, hình ảnh, khả năng biểu cảm, sao chép hành vi của con người, tự động kết nối Internet và có thể nói 21 ngôn ngữ. Nao dễ dàng cho việc điều khiển, lập trình, tùy biến ứng dụng và tương tác nên đã có 10.000 robot Nao được bán ra trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam hiện nay, mỗi robot Nao được bán với giá từ 10.000 đô la Mỹ và có thể phát triển phần mềm tùy biến với nhu cầu, mục đích của từng khách hàng.