Dạo này ra chợ mua thức ăn cứ có cảm giác như mình đã đánh rơi mất tiền, vào mua ở siêu thị khi thanh toán xong cũng nghi ngờ có thể nhân viên tính nhầm chăng. Chia sẻ với bạn bè mới hay đó không chỉ là cảm giác của riêng tôi. Giá cả hàng hóa, thực phẩm lên nhanh quá, chưa mua được bao nhiêu mà tiền đã vơi đi hết rồi.
Bốn năm nay kể từ ngày lấy chồng rồi sinh con, không thuê người trông trẻ, tôi từ bỏ công sở, tự nguyện ở nhà làm một người vợ đảm đang, một người mẹ của hai con rất mực chu toàn. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều đã có chồng tôi lo. Anh ấy là một trưởng phòng đắc lực của công ty đang ăn nên làm ra, thu nhập tầm khoảng 20 triệu đồng/tháng. So mức sống ở TPHCM, đó là khoản lương không ít cũng chẳng nhiều. Vì bản tính vốn giản dị, không cầu kỳ se sua nên nói chung cũng đủ sưởi ấm gia đình bốn chúng tôi, thỉnh thoảng còn dôi ra chút để dành.
Cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm, được chăm con, săn sóc chồng, bảo đảm bữa ăn gia đình đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng với tôi là niềm hạnh phúc, nỗi hân hoan rộn ràng mỗi ngày.
Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, việc kinh doanh của công ty chồng tôi lao đao khốn đốn, lương toàn bộ lãnh đạo, nhân viên đều bị cắt giảm một nửa không cần thông báo trước. Hóng tin từ nhiều nguồn thì ra có rất nhiều người tôi quen biết cũng trong tình cảnh công việc không phải ngồi trên đống lửa mà là trên một đám tro tàn âm ỉ nóng. Người thì từ chức phó giám đốc ngân hàng bị giáng xuống góc văn thư ngồi chơi xơi nước, kẻ thì mấy tháng không thấy lương chuyển vào tài khoản, có đứa được lên chức chưa kịp mừng thì nhận được thông báo hợp đồng lao động đã hết hạn, không ký tiếp…
Trong khi chờ kinh tế đất nước phục hồi hoặc đợi anh ấy đi xin việc ở chỗ khác có mức lương cao hơn thì tôi – một người nội trợ hồn nhiên chợt nhận ra mình trở nên tằn tiện, mua sắm gì cũng phải suy đi tính lại, cái gì thật sự cần thiết mới mua, còn không thì thôi vậy, rất quyết liệt.
Phải công nhận giá cả hầu hết các mặt hàng dạo này tăng chóng mặt, trong đó giá thực phẩm được xem là ở cấp độ “phi mã”. Một ký tôm tươi cỡ trung bình trước đây không lâu khoảng 120.000 đồng nay lên đến 160.000 đồng, thịt gà 90.000 đồng/kg nay cũng nhảy tót lên 110.000 đồng/kg, nhìn chung từ cá thịt, rau củ quả đến mặt hàng gia vị các thể loại đều nhích giá thêm 10-30%. Còn sữa uống cho hai nhóc con ở nhà ôi thôi khỏi bàn, chẳng bao giờ giữ được bình ổn giá, ít lâu lại điều chỉnh tăng. Nếu trước đây cầm khoảng 1 triệu đồng đi chợ, tôi sẽ lỉnh kỉnh tay xách tay đeo thức ăn đủ cho một tuần thì nay chỉ đủ dùng cho 4-5 ngày. Thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, rồi nào hóa đơn điện nước, Internet, truyền hình cáp, học phí của con…
Dù tôi đã xoay xở thật khéo đến cỡ nào cũng xin thú nhận thu nhập đó đã nằm dưới mức tổng chi tiêu của gia đình, và tôi cảm thấy hoa đã không còn nở dưới mỗi bước chân mình. Vợ chồng chưa đến mức cãi cọ vì sự chật vật này, còn động viên nhau là đằng khác, cuộc sống của gia đình mình hẳn nhiên phải do chính mình gánh vác thôi.
Không cần phải là nhà văn mới có cái nhìn đời bằng góc ngồi chiêm nghiệm, càng không cần là một vị quan chức nào đó đi thị sát thị trường với sự hộ tống của cánh truyền thông để được đánh tiếng lo lắng cuộc sống người dân. Hãy đi ra chợ đi rồi chúng ta sẽ thấy!
Thương lắm khi giữa một đống cá đang nhảy nhót bơi lội kia, có một vài khách hàng vẫn cứ chọn mua loại cá đã hoặc vừa chết để có giá rẻ hơn đến phân nửa. Có lần tôi đánh bạo hỏi nhỏ một khách hàng trẻ tuổi vừa mua xong 200 g tôm mà mình đã ngã sang màu cam cam, thịt thì bở ra - “tôm đó không được tươi lắm, em mua ăn không sợ à?”. Có lẽ do tôi hỏi chân thành và khá thân thiện nên đã nhận được câu trả lời ngay: “Công nhân tụi em lương tháng chưa đến 4 triệu đồng, mua tôm tươi hay cá còn sống thì đắt lắm, biết là không tươi, không ngon, dễ gây bệnh nhưng cũng đành mua vì giá rẻ chị ạ”.
Đó là lý do vì sao trong chợ, bên cạnh các tiểu thương bày bán đồ tươi sống ngon lành, vẫn tồn tại những mớ thức ăn ôi thiu, cá phình lòi ruột, thịt heo thịt gà bợt màu, tôm mực èo uột… mà vẫn cứ có người mua về (xin lỗi, tôi cầu mong là mua về không phải để cho người ăn).
Là một người nội trợ trong thời buổi thắt lưng buộc bụng này, tôi cảm thấy đau lòng; nhiều trắc ẩn và cả bất an.
Lưu Xuân