(SGTTO) - Sau hơn một tháng thử nghiệm tại nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa có văn bản đề xuất UBND TPHCM sử dụng đại trà bộ thiết bị thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch bằng công nghệ mới.
- Thử nghiệm hệ thống công nghệ thu gom rác trên sông rạch TPHCM
- Tour nhặt rác: vừa đi du lịch vừa góp phần bảo vệ môi trường
TTXVN dẫn lời ông Lâm Tấn Kiệt, Giám đốc Xí nghiệp 1 (Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn), cho biết bộ thiết bị thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch do Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn nghiên cứu sản xuất và nhập khẩu với tổng giá trị 20 tỉ đồng. Trong đó mỗi máy gắp rác cơ động nhập khẩu từ Mỹ có giá 3,5 tỉ đồng, các thiết bị còn lại do kỹ sư Việt Nam phát triển.
Bộ thiết bị bao gồm một sà lan lớn với khoang chứa rác khoảng 250 tấn; một tàu thu gom rác tự động với sải cánh thu gom rộng 12m chạy trên luồng chính; hai máy gắp rác nhỏ có tính cơ động cao dùng để di chuyển rác và đưa về sà lan; một tàu kéo tàu chính. Các thiết bị này có khả năng di chuyển để thu gom rác trên mặt sông, kênh rộng từ 5m trở lên.
Theo đó, việc trục vớt rác trên sông sẽ được tối ưu hóa, giảm bớt sức người. Cụ thể, chỉ cần khoảng 7-8 người tham gia vận hành, trong 7 tiếng, bộ thiết bị này có thể thu gom 30-40 tấn rác.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, mô hình thu gom này được thí điểm đầu tháng 10-2020, đến nay mang lại nhiều hiệu quả. Chẳng hạn, sau khi thử nghiệm với 3 lần vớt trên sông Vàm Thuật – Bến Cát (quận Gò Vấp), bộ thiết bị đã giúp thu gom được gần 90 tấn rác, cải thiện chất lượng nước, giảm ô nhiễm và ngập úng cho khu vực dân cư xung quanh khi trời mưa. Việc vớt rác được thực hiện nhanh, cơ động, không yêu cầu nhiều sức người nhưng vẫn đảm bảo tính chủ động và chính xác.
Do đó, theo TTXVN, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thống nhất kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho thu gom rác thải sông, rạch sử dụng công nghệ mới trên toàn địa bàn thành phố theo lộ trình. Việc thu gom sẽ bắt đầu từ các tuyến giao thông thủy nội đô, những kênh, rạch lớn bị ô nhiễm nhiều như tuyến sông Vàm Thuật – Trường Đai – Tham Lương; rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh; các tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, 8…
Sau đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ xây dựng đơn giá để thành phố đưa vào sử dụng đại trà tại các sông, rạch trên địa bàn trong năm 2021. Đối với kênh, rạch rộng dưới 5m vẫn sẽ dùng cách thu gom rác truyền thống là sử dụng sức người.
N.K. tổng hợp