(SGTTO) - Một nhóm các nhà khảo cổ học Thái Lan do bà Kanniga Premjai dẫn đầu đã tìm ra những bức tranh bị giấu kín từ lâu trong một hang động tại Vườn quốc gia Sam Roi Yot, phía Tây Nam Bangkok.
Họ đã phải nhờ một kiểm lâm dẫn đường, dùng dao rựa phát cây để tạo một con đường mòn xuyên qua thảm thực vật đầy gai nơi đây. Sau khi tìm kiếm khoảng 40 hang động mà không gặp may, tình cờ họ phát hiện ra một hang động có hình vẽ bên trong khi leo lên một vách núi đá.
Những bức tranh từ thời tiền sử
“Tôi đã hét lên khi chúng tôi tìm thấy những bức tranh”, vừa nói, bà Kanniga Premjai vừa chỉ vào những cụm hình màu gỉ sét trông giống như hình người đang nắm tay nhau. Mới đầu các hình khắc bị các bức tường tối che phủ, nhưng nhờ sự miệt mài tìm kiếm và sử dụng một ứng dụng di động - giúp các nhà nghiên cứu tìm ra nghệ thuật trên đá - đã làm lộ ra các hình vẽ. Bà Kanniga vui mừng nói: “Chúng có từ thời tiền sử, khoảng 2.000 đến 3.000 năm tuổi”.
Thái Lan đã khai quật những ngôi đền và thành phố cổ, chẳng hạn như những tàn tích ở cố đô lịch sử Ayutthaya và phía bắc Chiang Mai - những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với Cục Mỹ thuật Thái Lan, việc tìm kiếm các bức vẽ trong hang động khó khăn hơn do thiếu nhân lực và bởi công việc này thường đòi hỏi quá trình đi bộ xuyên rừng gian khổ.
Noel Hidalgo Tan, chuyên gia của Trung tâm Khảo cổ và mỹ thuật khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Rất nhiều công việc chính của các nhà khảo cổ Thái Lan chỉ là bảo tồn những gì đã tìm thấy… và điều đó đã chiếm rất nhiều thời gian. Còn rất nhiều địa điểm vẫn chưa được khám phá”.
Người dân địa phương thường mạo hiểm vào các hang động thu thập phân dơi để sử dụng làm phân bón. Nhưng họ không chú ý đến những tác phẩm nghệ thuật trên tường. Đó là lý do tại sao nhiệm vụ của bà Kanniga là “tìm kiếm mọi hang động và vách đá trong công viên”.
“Chúng tôi không biết mình sẽ khám phá được điều gì ”, nhà khảo cổ học 40 tuổi nói khi chui vào các buồng bên trong của hang động.
Hệ thống hang động ở đây không phải là lâu đời nhất của Thái Lan - danh hiệu đó thuộc về các khám phá được cho là từ 5.000 đến 11.000 năm tuổi được tìm thấy ở khu vực phía Bắc Thái Lan. Nhưng “Hang đất sét” (Clay Cave) ủng hộ giả thuyết của bà Kanniga cho rằng khu vực Sam Roi Yot từng là cái nôi của người tiền sử.
Niềm đam mê với thế giới tự nhiên
Khám phá hang động là niềm đam mê của Kanniga, nhưng đây là năm đầu tiên trong sự nghiệp kéo dài gần hai thập kỷ, bà có thể dành thời gian và nguồn lực để thực hiện. Bà là một trong ba nhà khảo cổ học giám sát 6 tỉnh thuộc Sở Mỹ thuật Ratchaburi và trước đây đã dành nhiều thời gian cho công việc đánh giá các di tích lịch sử để xác định tuổi và xuất xứ. Bà nói: “Các nhà khảo cổ nước ngoài thường chuyên về một thứ, nhưng ở Thái Lan, chúng tôi buộc phải làm tất cả mọi thứ”.
Việc phát hiện ra các bức tranh vào năm 2016 khi các nhà chức trách tiến hành một cuộc khảo sát nhanh trong khu vực Sam Roi Yot đã thôi thúc bà Kanniga thúc đẩy nghiên cứu thêm trong khu đất chưa được lập bản đồ của công viên. Công viên quốc gia này hiện đang là điểm đến nổi tiếng ở Thái Lan, nơi du khách trong nước có thể đến thăm các bãi biển gần đó và ngắm những loài chim ở vùng đất ngập nước.
Tan, một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật trong hang động và trên đá trong khu vực, cho biết bằng chứng mới tìm ra cho thấy những người săn bắn hái lượm đã sống ở khu vực này khoảng 3.000 năm trước. “Họ có thể đã di chuyển từ trại này sang trại khác, vì vậy họ đã có một trại trên các ngọn núi,” ông nói. Và theo ông thì khi đó đường bờ biển của Vịnh Thái Lan nằm sâu hơn trong đất liền.
Theo ông Tan, mặc dù hệ thống hang động trong rừng quốc gia vẫn còn rất nhiều, nhưng việc mở rộng khám phá của các nhà khảo cổ học là rất khó vì “các hang động không thể dễ dàng trở thành địa điểm du lịch” như các ngôi đền lịch sử. Muốn bảo tồn và bảo vệ các hang động, bạn cần tạo ra doanh thu nhưng không thể kiếm được nhiều tiền từ du khách tham quan.
Dù vậy, Kanniga vẫn không nản lòng trước những thách thức, vẫn cùng hai nhà nghiên cứu khác tiếp tục tìm kiếm những phát hiện ẩn trong các hang động chưa được khám phá của công viên.
“Công việc này khá thú vị, nhưng hơi đáng sợ, đặc biệt là khi chúng tôi phải leo lên những ngọn núi cao”, Chananchaita Kitcho nói. Nhà khoa học 23 tuổi cảm thấy vô cùng may mắn vì họ đã thành công trong chuyến khám phá của mình, đặc biệt là vì những chuyến leo núi khó khăn đôi khi trở nên vô ích. “Đầu tiên chúng tôi đã bị lạc nhưng sau đó, ơn trời chúng tôi đã tìm thấy hang đó”, cô vui vẻ nói.
Bà Kanniga nói rằng bà vẫn còn nổi da gà khi nhìn thấy những nét vẽ nguệch ngoạc trong những sắc màu đất đỏ. Bà nói: “Khi tìm thấy những bức tranh, cảm giác lúc đó giống như bạn đang tìm thấy một kho báu. Sự quyến rũ của khảo cổ học là bạn không bao giờ cảm thấy nhàm chán”.
Thanh Thảo
Theo South China Morning Post