(SGTTO) - Hàng năm vào dịp tháng Ba và tháng Tám âm lịch, người dân khắp mọi miền và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức về Phủ Dầy (Nam Định) dự lễ hội cầu sức khoẻ, bình an cho bản thân và gia đình. Điều này thể hiện niềm tin tâm linh đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, trải qua bao thăng trầm vẫn được giữ gìn và thực hành trong cộng đồng.
Nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu phải nói đến quần thể di tích văn hoá lịch sử Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là cái nôi của trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó phủ chính Tiên Hương là nơi thờ chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị Thánh Mẫu Thần chủ của tín ngưỡng.
Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử - văn hóa mấy ngàn năm. Người dân Việt Nam lao động cần cù và chất phác, mang trong mình niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt và coi đó là cội nguồn sức sống quật cường của cả dân tộc suốt chiều dài lịch sử. Niềm tin tâm linh có vai trò quan trọng và là biểu hiện sinh động của văn hóa, nghệ thuật Việt.
Phủ chính Tiên Hương được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1975. Tháng 12-2016, khi UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn quần thể di tích Phủ Dầy là nơi làm lễ đón nhận danh hiệu do UNESCO trao tặng.
Đây là niềm vinh dự của Nam Định nói chung và là niềm tự hào của những người thực hành tín ngưỡng nói riêng, trong đó phủ chính Tiên Hương đã đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ làm hỗ sơ di sản và quảng bá tín ngưỡng đến bạn bè quốc tế.
Hơn 10 năm đi thực địa nghiên cứu về kiến trúc đình, đền, chùa miền Bắc, giảng viên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng đã lưu giữ những bộ ảnh quý giá về tín ngưỡng thờ Mẫu. Tác giả đã gửi bộ ảnh “Về Phủ Tiên Hương tìm bình an nơi cửa Mẫu” với mong muốn mang chút bình yên đến bạn đọc của Sài Gòn Tiếp Thị.
Ngọc Diệp