THANH HUYỀN -
Những năm gần đây, dịch vụ chuyển vùng quốc tế của các nhà mạng trở nên quen thuộc với người dùng và giá thành cũng đã giảm so với nhiều năm về trước. Dù vậy, nhiều người đã dùng các ứng dụng thoại trên nền Internet (OTT) như một món ăn kèm không thể thiếu.
Nghe thoại, nhận tin nhắn cũng trả tiền
Chuyển vùng quốc tế (roaming) là dịch vụ giúp khách hàng dùng chính thẻ sim và số thuê bao di động của mình tại Việt Nam để liên lạc khi đang ở các quốc gia khác. Tất nhiên, giá cước sẽ được tính thêm với nhiều chi phí, và không có quá nhiều gói cước để lựa chọn.
Với nhà mạng VinaPhone, điểm đến của khách trên thế giới được chia làm năm vùng cước lớn, giá cước được tính theo vị trí địa lý và sự hỗ trợ của nhà mạng các nước và vùng lãnh thổ mà khách đến. Trong đó, giá cước gọi về Việt Nam dao động 28.000-119.000 đồng/phút. Nhận cuộc gọi từ Việt Nam có giá 8.000-70.000 đồng/phút. Gọi trong nước sở tại có giá 13.000-70.000 đồng/phút.
Giá cước của dịch vụ này ở mạng Viettel thấp hơn. Cũng được chia làm năm vùng cước nhưng cách chia vùng có khác với VinaPhone. Trong đó, các nước ASEAN và các vùng lãnh thổ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan được xếp vào vùng 2 với giá cước gọi về Việt Nam là 33.000 đồng/phút, gọi trong nước sở tại là 11.000 đồng/phút và 11.000 đồng/phút khi nhận cuộc gọi từ Việt Nam. Với các vùng còn lại, giá gọi về Việt Nam dao động 25.000-66.000 đồng/phút. Cước nhận cuộc gọi từ Việt Nam 4.400-66.000 đồng/phút, gọi trong nước sở tại cũng khoảng 6.600-66.000 đồng/phút.
Mặc dù cũng chia cước dịch vụ thành năm vùng nhưng cách chia vùng của MobiFone khác với hai nhà mạng trên. Giá cước gọi trong nước sở tại 11.990-69.990 đồng/phút. Gọi về Việt Nam giá 27.990-129.990 đồng/phút, nhận cuộc gọi từ Việt Nam giá 10.990-69.990 đồng/phút.
Bà Hồ Nguyễn Lan Anh, chủ một xưởng thủ công mỹ nghệ ở huyện Hóc Môn (TPHCM) cho biết, bà có một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở Úc nên thường xuyên đi về giữa hai nước. Theo bà, vì hay đi công việc nên thường roaming số đang dùng của mạng MobiFone. “Giá cước tuy đắt nhưng chất lượng rất ổn, không hề có chuyện tín hiệu xấu hay ngắt kết nối”, bà Lan Anh cho biết.
[box type="download"] Những lưu ý khi sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế Đây là những lưu ý thường được các nhà cung cấp các dịch vụ mạng di động cung cấp cho khách hàng trên trang web của họ hoặc cung cấp qua điện thoại (tư vấn) khi khách có yêu cầu: Hủy cài đặt chuyển cuộc gọi đến để tránh phát sinh cước Chuyển vùng quốc tế hai lần. Tại Mỹ và Canada: sử dụng máy di động băng tần phù hợp hoặc bật 3G. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc: bật 3G để có thể kết nối vào mạng công nghệ CDMA. Tại khu vực biên giới, khi sóng của nhà mạng nước láng giềng mạnh, sẽ có hiện tượng ăn sóng nước khách đang ở, cước phí sẽ tính là cước chuyển vùng quốc tế. Do đó, nên hủy dịch vụ chuyển vùng quốc tế ngay khi qua khỏi cửa khẩu biên giới. Tại Mỹ, một số nhà mạng tính cước cuộc gọi từ lúc đổ chuông, nên khách hàng cần lưu ý. Với nhà mạng AT&T, khi cuộc gọi không thành công mà thời lượng đổ chuông trên 29 giây sẽ tính như một phút gọi thoại. Nếu cuộc gọi thành công, thời lượng tính cước = thời lượng đổ chuông + thời lượng đàm thoại. Với nhà mạng T-Mobile, trường hợp cuộc gọi không thành công thì cuộc gọi không bị tính cước. Trường hợp cuộc gọi thành công, thời lượng tính cước = thời lượng đổ chuông + thời lượng đàm thoại. Do đó, người dùng cần lưu ý cắt cuộc gọi trước khi thời gian đổ chuông vượt quá 29 giây để tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.[/box]
Đừng lơ mơ với cước dữ liệu
Ngược lại với giá cước thoại chuyển vùng, giá cước 3G (dữ liệu mạng) chuyển vùng hiện nay vẫn được người tiêu dùng đánh giá là còn quá cao.
Do hay đi các nước châu Âu nên ông Công Thắng, Giám đốc Công ty Công nghệ Kim Tự Tháp (Hà Nội) cũng phải roaming để duy trì liên lạc với đối tác trong nước. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, giá cước trung bình hiện nay là khoảng hơn 2.000 đồng/10 KB dữ liệu nên người dùng không để ý sẽ trả hóa đơn hàng chục triệu đồng là bình thường. Vì vậy, ông cho biết mình không roaming dịch vụ truyền dữ liệu mà tận dụng dịch vụ này ở nơi đến. “Tôi đi châu Âu nhiều lần, lần nào cũng được nhân viên hướng dẫn du lịch chỉ cách lấy sóng Wimax (kết nối không dây khoảng cách rộng) của thành phố. Đi xuống nông thôn thì nhiều nhà dân hoặc khu thị chính cũng có Wi-Fi. Không nữa thì tôi mua sim 4G của nhà mạng nước sở tại, rẻ hơn mà tốc độ lại nhanh hơn nhiều so với chuyển vùng 3G của nhà mạng trong nước.
Cũng hay đi về giữa Việt Nam và Úc nên chị Liễu Hà, chuyên viên nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Phòng nghiên cứu văn hóa châu Á thuộc trường Đại học Canberra (Úc) cho biết mình sử dụng một thuê bao chuyển vùng 3G, gói cước Rx của VinaPhone chỉ để gửi mail. Gói cước chuyển vùng Rx của VinaPhone có giá lần lượt là 159.000 đồng/10 MB/ngày, 299.000 đồng/20 MB/ngày và 399.000 đồng/30 MB/ngày.
OTT là một lựa chọn
Trên thực tế, nhiều người khi đi du lịch hoặc công tác nước ngoài không hoàn toàn sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế, mà thường dùng kèm một ứng dụng OTT để giảm bớt chi phí cho chuyến đi.
Anh Nguyễn Vinh Ngọc, một nhà thiết kế xây dựng tại TPHCM chia sẻ kinh nghiệm rằng, có lần anh đi du lịch ở Ý, hứng lên ở liền hai tháng. Sau đó về, anh phải trả cước chuyển vùng lên đến hơn 30 triệu đồng. “Sau lần đó, tôi quyết định cài thêm Viber, đi nước ngoài thì chỉ nghe cuộc gọi từ Việt Nam. Muốn gọi cho bạn bè, người thân thì dùng Viber cho tiện”, anh nói.
Cũng dùng các dịch vụ OTT, ông Từ Đức Dũng, Giám đốc Công ty Khoa học công nghệ HSĐ (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết sẽ tiết kiệm nhiều hơn so với roaming. Theo ông, khi đi công tác tại một nước nào đó nên chuẩn bị sẵn một số thuê bao chuyển vùng quốc tế để nghe các cuộc gọi từ nước mình và như vậy chỉ tốn tiền nghe. Còn lại, thêm một sim 3G hoặc 4G dùng mạng của các nước sở tại và một ứng dụng OTT như Viber, Skype, Facetime.