Tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng kim ngạch đạt 967.000 đô la Mỹ. Đây là hai thị trường mà doanh nghiệp trong nước muốn bán sang phải đóng phí bản quyền hoặc mua thanh long từ đơn vị sở hữu bản quyền giống Long Định 1 (LD1).
- Ngắm lúa chín vàng tại ‘xứ thanh long’
- Sau bánh mì thanh long, bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri tiếp tục gây sốt
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng đầu năm 2023, thanh long Việt Nam xuất khẩu qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt trên 47 triệu đô la Mỹ, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với trên 37 triệu đô la Mỹ, giảm 52,9% so với cùng kỳ.
Riêng đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc – hai thị trường xảy ra những “lùm xùm” trong vấn đề bản quyền xuất khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước – tổng kim ngạch xuất khẩu sang đây trong tháng đầu năm 2023 đạt 967.000 đô la Mỹ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 694.000 đô la Mỹ, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Nhật Bản đạt 273.000 đô la Mỹ, giảm 35,4% so với cùng kỳ.
Nếu tính theo thứ hạng kim ngạch, thì Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ 6 của Việt Nam sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và Hà Lan. Trong khi đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ 11 của Việt Nam.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, Phó giám đốc Công ty YASAKA – đơn vị có trên 10 năm xuất khẩu thanh long cho biết, tổng dung lượng của hai thị trường nêu trên do tất cả các doanh xuất khẩu trong nước cộng lại chưa đến 5.000 tấn/năm.
Còn tính theo kim ngạch xuất khẩu, thì năm 2022, Hàn Quốc đã chi 9,363 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu thanh long của Việt Nam, tăng 43,6% so với năm 2021. Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 4,761 triệu đô la Mỹ để mua thanh long từ Việt Nam, giảm 9,8% so với năm 2021.
Liên quan đến việc xuất khẩu thanh long vào Nhật Bản và Hàn Quốc, sau khi Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) đạt thoả thuận mua bản quyền giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LD1) từ Viện cây ăn quả miền Nam vào năm 2017, thì đơn vị này đã quyết định chia sẻ bản quyền thông qua hình thức thu phí xuất khẩu.
Theo đó, Hoàng Phát Fruit thu phí bản quyền đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào hai thị trường nêu trên với mức 30 đồng/kg cho số lượng 5.000-15.000 tấn; 20 đồng/kg đối với số lượng 20.000-25.000 tấn và 10 đồng/kg cho số lượng 25.000 tấn trở lên.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu dưới 5.000 tấn thanh long/năm, thì Hoàng Phát Fruit sẽ cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, đơn vị này hiện có trên 132 héc ta vùng nguyên liệu trồng thanh long ruột đỏ LD1 với sản lượng cung ứng khoảng 5.000 tấn. Trong đó, có 32 héc ta là trang trại của công ty, 70 héc ta đơn vị này hợp tác bao tiêu với bà con nông dân và khoảng 30 héc ta diện tích trồng khảo nghiệm giống với Công ty tư vấn và đầu tư phát triển nghề vườn (thuộc Viện cây ăn quả miền Nam).
Trung Chánh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online