Sau khi dự án đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành Đai ở TPHCM có chiều dài gần 13,7 km, chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) tới phường Xuân Hiệp (quận Thủ Đức) cơ bản hoàn thành, có một phần diện tích nhỏ thuộc các hộ dân không nằm trong khu vực giải tỏa được người dân tận dụng để xây dựng những căn nhà “siêu mỏng”. Từ đây đã hình thành nên những ngôi nhà méo mó, nghiêng một bên, nhà hình tam giác… thiếu an toàn và làm mất mỹ quan đô thị.
Ví dụ ở đoạn giao nhau với đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp), có căn nhà với diện tích chỉ chừng 14 m2. Không ai nghĩ với diện tích nhỏ như vậy mà vẫn xây dựng được thành nhà. Hoặc như gần đó là căn nhà có hình chữ nhật nhưng hai đầu lại không bằng nhau, cũng được xây hai lầu, một trệt. Một đầu khoảng 0,8 m, đầu còn lại gần 2 m. Đó là chiều sâu của căn nhà, còn bề ngang có lẽ rộng chưa tới 10 m. Với diện tích như vậy, chỗ rộng nhất cũng chỉ đủ để bộ bàn ghế hoặc chiếc giường ngủ.
Ngoài nhiều ngôi nhà nhỏ lẻ, hộ gia đình với diện tích không quá 3 m chiều ngang đã được xây từ lâu, hiện vẫn đang có những căn nhà khác dần mọc lên. “Xây những căn nhà này chúng tôi lo lắng, theo tiêu chuẩn thì những diện tích như vậy mà xây nhà cao tầng sẽ không an toàn, rồi sẽ đổ ập xuống sau một thời gian ngắn”, một thợ xây nhà cho hay.
Theo quy định của Quyết định 45/2009 UBND TPHCM, nếu lô đất có diện tích từ 15 m2 đến 36 m2 có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được cải tạo sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng. Quy định đã rõ nhưng thực trạng xây nhà “siêu mỏng” đang ngày một tăng lên tại địa bàn trên mà chưa được chính quyền ngăn chặn.
Thiết nghĩ, để tránh tình trạng nhà “siêu mỏng” hình thành, khi giải tỏa dự án không nên để sót lại diện tích đất nào thuộc sở hữu các hộ dân quá nhỏ không đủ chỉ tiêu xây dựng nhà ở. Trường hợp này nên vận động người dân cho giải tỏa hết, hoặc giải tỏa thêm để sử dụng xây dựng các công trình công ích như vườn hoa hay nhà vệ sinh công cộng.
Lương Sơn