Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Xử lý khi bị kiến ba khoang cắn trong mùa giãn cách

(SGTT) – Vào mùa mưa, kiến ba khoang bắt đầu tràn vào những tòa nhà cao tầng như tại các khu chung cư, ký túc xá… Kiến ba khoang đang trở thành “cơn ác mộng” đối với người dân sống tại các tỉnh thành phố, trong đó có TPHCM, đặc biệt là người dân ở các khu nhà cao tầng và nhất là trong mùa dịch bệnh việc đi khám bác sĩ lẫn mua thuốc điều trị không phải chuyện dễ dàng.
Trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nếu vết thương không được xử trí đúng cách, có thể gây viêm nặng hơn, lở loét toàn thân và nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Vì vậy, bệnh nhân nên nhờ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh vết loét sâu bị bội nhiễm nghiêm trọng.

Kiến cắn đến đâu, phồng rộp đến đó

Những ngày qua, kiến ba khoang đang trở thành cơn “ác mộng” của nhiều cư dân sống tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM). Là một trong những người đã bị kiến ba khoang cắn, chị Hoài Phương chia sẻ “Gần 1 tuần trở lại đây, kiến ba khoang liên tục xuất hiện trong nhà. Vào buổi tối, chúng nó bay lạc vào nhà theo ánh sáng của đèn điện. Tôi và chồng đều bị loại kiến này đốt tại chân, tay và cổ gáy".

Ngày đầu tiên, cứ tưởng vết cắn của côn trùng thông thường nhưng đến hôm sau, những vết thương ngày càng ngứa, bỏng rát và lan dần ra các khu vực xung quanh. Khi nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ, chị Phương mới biết được vết thương là do kiến ba khoang đốt, sau đó mới bôi thuốc để hạn chế nhiễm trùng.

Tương tự, anh Thanh Lâm hiện sống tại chung cư Masteri Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) ngán ngẩm kể lại "dù mỗi tối, căn hộ của tôi đều đóng kín các cửa sổ và lỗ thông gió nhưng kiến ba khoang vẫn bay vào nhà. Ngoài ra, kiến còn bám vào áo quần phơi ở phía ngoài nhà. Nếu lúc thay đồ không để ý, kiến sẽ đốt vào da". Một số bộ phận trên cơ thể như lưng, chân, tay… đều có vết thương bị kiến đốt. Kiến cắn đến đâu, phồng rộp đến đó. Những vết thương cứ tái đi tái lại và có cả sẹo lõm, gây mất thẩm mỹ rất nhiều, anh Lâm nói.

Không chỉ tại TPHCM, nhiều người dân đang thực hiện cách ly Covid-19 ở Trường Nghiệp vụ Thuế phân hiệu Thừa Thiên Huế, cũng than thời vì bị kiến ba khoang tấn công. Theo lời kể của anh Văn Sang, cứ vào buổi chiều, kiến ba khoang sẽ xuất hiện ở khu vực phía hành lang, nhà vệ sinh. Hơn nữa, kiến còn ẩn nấp dưới chiếu nằm, giường tầng. Phòng ở 5 người đều bị loài kiến này cắn.

Chất độc tiết ra của kiến ba khoang gây những vết bỏng, lở loét sâu và các tổn thương nghiêm trọng cho da. Ảnh: H.Phương
Tại các tòa nhà cao tầng, kiến ba khoang thường bám vào các vật dụng, áo quần, giường chiếu, chăn màn. Ảnh: Q.Vũ
Tiến triển của vết thương và cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn

BS Nguyễn Thị Bích Huê, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Quân Y 175, cho biết “Độc tố của kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần so với độc tố của rắn hổ mang. Tuy nhiên, kiến ba khoang là loại côn trùng nhỏ với lượng độc tố ít nên chủ yếu là tổn thương ở ngoài da, không gây nguy hiểm đến tính mạng như rắn hổ mang”.

Trong thời gian đầu, vùng da tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang sẽ xuất hiện các mẩn đỏ, mụn nước xung quanh, vết trầy xước. Sau vài ngày, những mảng đỏ trở nên nặng hơn với những mụn mủ, mụn nước, vết loét… Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đau rát, nóng rát tại vùng bị thương.

Để loại bỏ những độc tố tiếp xúc trên da, bệnh nhân cần rửa sạch bằng nước lã, tốt nhất rửa bằng cồn 70 hoặc 90 độ. Để phòng ngừa việc xuất hiện những mảng đỏ, phù nề, bệnh nhân nên bôi dung dịch corticoid giúp chống viêm trong giai đoạn đầu rất tốt.

BS Nguyễn Thị Bích Huê, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Quân Y 175

Khi bị kiến cắn có thể xử lý tại nhà. “Trường hợp bị nhiễm trùng, vết loét sâu bị bội nhiễm, bệnh nhân nên nhờ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu vết thương không được xử trí đúng, có thể gây viêm nặng hơn, lở loét toàn thân, nguy cơ nhiễm trùng rất cao”, BS Huê nhấn mạnh.

Để phòng tránh kiến ba khoang, BS Bích Huê khuyến cáo, sử dụng lưới ở cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều. Trong mùa mưa, kiến ba khoang thường bay vào nhà lúc trời chiều tối. Kiến ba khoang sẽ bay và tấn công vào các vùng da không được che chắn như mặt, cổ, tay, chân…

Ngoài ra, khi tiếp xúc với kiến ba khoang cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót để tránh tiếp xúc trực tiếp. Người dân cũng nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà.

Trường hợp phát hiện kiến ba khoang tại khu vực sinh sống, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn và thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, bởi kiến ba khoang ưa thích ánh đèn huỳnh quang.

Minh Thảo

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế

0
Theo báo cáo của ngành y tế, tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh đang rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Nỗi lo “dịch chồng dịch”...

0
(SGTT) - Cùng với dịch Covid-19, các bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… vẫn đang diễn biến...

TPHCM: Các trường không quy định học sinh tiêm vắc-xin trước...

0
Theo ghi nhận tại các trường học ở TPHCM, hiện không có nhà trường nào yêu cầu bắt buộc học sinh tiêm vắc-xin ngừa...

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện ‘khó kham...

0
Tại TPHCM, một số bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị sốt xuất huyết đang lo ngại khó có thể kham nổi...

Mua molnupiravir tại nhà thuốc phải có đơn, trên mạng bán...

0
(SGTT) - Để mua thuốc molnupiravir tại các nhà thuốc, người dân phải đáp ứng một trong ba điều kiện là xuất trình giấy...

Xông hơi hỗ trợ điều trị Covid-19, chuyên gia cảnh báo...

0
(SGTT) - Những nồi xông thảo dược, tinh dầu là hình ảnh đang được chia sẻ ngày càng nhiều trên mạng xã hội trong...

Kết nối