(SGTT) - Sài Gòn vẫn tiếp tục giãn cách sau hơn 2 tháng phong tỏa. Shipper đứng hình từ 23-8 sẽ được khởi động lại với hình thức ship liên quận từ 16-9. Cả shipper công nghệ lẫn người dân đều phấn khởi chờ đợi hàng hóa được thông suốt. Thế nhưng, với cánh shipper truyền thống thì vẫn chưa thể “tái xuất giang hồ”.
- Shipper mùa dịch mạo muội đề xuất vài ý kiến về chuyện lương thực, hàng thiết yếu
- Giữa mùa dịch Covid-19, shipper trở thành “thợ đụng”
- Ghi chép của shipper mùa giãn cách: Dọc đường, thấy và nghe
Trước 16-9, vẫn có shipper liên quận dù không phải của các công ty ứng dụng công nghệ đặt xe trực tuyến. Các shipper cá nhân, không hiểu bằng cách nào, vẫn có giấy đi đường. Vào ứng dụng (app) đặt và chờ, giá tăng gấp mấy lần nhưng không có ràng buộc trách nhiệm như shipper của các công ty công nghệ. Nhiều trường hợp bom đơn (không tới nhận hàng để giao); hàng không đúng chất lượng (đi chợ hộ); thậm chí mất hàng mà không thể khiếu kiện.
Shipper truyền thống của các công ty, cửa hàng lương thực, thực phẩm, rau củ, trái cây chỉ được đi trong quận. Cả shipper công nghệ, lẫn shipper truyền thống, ngoài thẻ nhân viên, băng đeo tay, khai báo y tế, khai báo di biến động dân cư, đăng ký với Sở Công Thương, Công An TPHCM cấp mã QR… còn phải có giấy xét nghiệm âm tính cách ngày. Có những shipper phải quay xe vì thiếu thủ tục, có khi app của Sở Công Thương chưa cập nhật kịp.
Do thủ tục nhiêu khê, shipper truyền thống đành nhường đất cho shipper công nghệ. Cũng như chợ truyền thống nhường thị phần cho các siêu thi, chuỗi cửa hàng. Từ 23-9, tôi được nghỉ shipper, với những đơn hàng trên 3 triệu đồng thì thuê xe tải vận chuyển. Trong khi hải sản, thịt… chở thẳng từ Phan Thiết, Vũng Tàu đến tận nhà, duy chỉ có gạo là chở từ Sài Gòn. Bạn bè, khách quen đặt hàng ít hơn đành hẹn nhau sau 16-9, thuê shipper công nghệ, giá sẽ mềm hơn.
Sau giờ mở cửa, tôi cũng hí hửng đặt app gọi shipper công nghệ. Nhưng thực tế, chỗ thì nghẽn mạng, nơi thì không đủ shipper, nơi thì bắt khách đợi mỏi mòn. Có shipper hẹn cuối ngày sẽ giao hàng ngoài giờ của công ty. Ra hàng chờ, tới giờ vẫn không thấy, rồi lấy điện thoại gọi thì cứ nghe điệp khúc: “Chờ em chút”. Chờ tới chập tối, sau cả chục cuộc điện thoại, hỏi thẳng thì “Chắc em đi không được!”.
Thật sự lúc ấy tối rất là bực tức bởi hàng hải sản, thực phẩm từ Phan Thiết vào mà khách hàng thì đang đợi nhận bởi có nhà thì hết đồ ăn, có nhà thì đợi con gà để cúng. Sau mấy phút đắn đo, cân nhắc, tôi quyết định đi đại, có gì trình bày thẳng, nhờ anh em chốt chặn du di cứu bồ vì không thể để hàng qua đêm.
Qua chốt ở quận 4, tôi trình thẻ shipper và giấy đi đường cũ, nói rõ lý do xé rào. Bạn dân quân bảo tôi khai báo y tế và di biến động dân cư. Trời tối, thao tác chậm, dù được hướng dẫn trực tiếp, tôi khai hơn 5 phút vẫn chưa xong thì bạn ấy khai dùm luôn. Rồi có chỗ phải hỏi lại các anh bên công an, không biết khai gì mà bạn ấy hỏi cả họ tên, nghề nghiệp của cha mẹ. Tôi bảo “Tôi năm nay U 70, ba tôi đã mất từ thế kỷ trước, mẹ tôi mất cách đây mấy năm”.
Loay hoay cả chục phút vẫn chưa xong. Cuối cùng bạn ấy xin ý kiến của lãnh đạo cho tôi thông chốt. Các anh đồng ý và nhắc “Lần sau phải có giấy đi đường nha”. Tôi vội cám ơn và “Rất xin lỗi vì đã phiền các anh” rồi vui vẻ ra về. Qua chốt quận 7, sát nhà, tôi vẫn thật thà khai báo và được nhắc nhở “Lần sau, chú phải có giấy đi đường mới”.
Lại nhớ hôm trước, ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7. Lúc đó đường vắng, chạy xe mà cứ suy nghĩ bố cục bài viết về dịch bệnh, thì cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe. Tôi không biết vì chuyện gì thì được bảo “Chú vừa vượt đèn đỏ”. Giật mình, cái tật không quan sát kỹ khi chạy xe, thế là tôi nhận lỗi dù không cố ý. Hỏi thăm, biết shipper này đang chuẩn bị có buổi dạy online cho sinh viên lúc 17:00, bạn cảnh sát giao thông nhắc “Chú đi đường cẩn thận hơn và nhớ giữ sức khỏe”.
Tôi cám ơn, không quên xin lỗi vì đã làm phiền. Có lần, giao hàng trong phường, tôi nói rõ lý do, địa chỉ nên dù không có giấy đi đường mới, mấy bạn dân quân vẫn du di “Chú đi nhanh rồi về”. Làm shipper, không ít lần gặp anh em chốt chặn, nhắc nhở, dặn dò, chỉ đường cặn kẽ, giúp đỡ khi ngã xe, rớt hàng… không chỉ với tôi mà cả những người đi đường, nhất là với anh em shipper.
Cũng có trường hợp nhân viên chốt chặn gắt gỏng, máy móc nhưng chỉ là cá biệt. Tôi đồng cảm vì hiểu công việc chốt chặn rất nguy hiểm, dễ lây nhiễm, áp lực lớn; chưa kể có những người đi đường tự xem mình là thượng đế. Thủ tục giấy đi đường nhiêu khê hành shipper một nhưng làm khổ lực lượng chốt chặn gấp đôi, gấp ba.
Đang viết những dòng này thì điện thoại từ Huế gọi vào. Anh bạn làm du lịch nhờ giải cứu giúp mấy tấn thanh trà (loại bưởi đặc biệt ở làng Thủy Biều, Huế) vì đó là “nguồn thu oxy” của mấy chục nhân viên công ty hiện nay. Thanh trà có thể bảo quản cả tháng nhưng chưa biết vận chuyển bằng cách nào, phân phối ra sao, dù giá rẻ rất nhiều so với bình thường. Bài toán tiêu thụ nông sản bình thường đã khó thì trong mùa dịch càng nan giải.
Thiết nghĩ, nên đơn giản hóa tối đa giấy đi đường. Giấy có thể làm giả, nhờ quan hệ, cậy “ông ngoại”, thậm chí mua nhưng hàng thì không thể. Chỉ có hàng kém chất lượng chứ không có gạo nhựa, thịt xốp. Các shipper chỉ cần có giấy chích 2 mũi, thẻ nhân viên, đơn hàng thiết yếu (khi cần mới kiểm tra) và 1 app khai báo y tế là đủ.
Các công ty nhỏ, các cửa hàng lương thực, thực phẩm, rau củ… đều có nhân viên đa năng. Vừa bốc vác, sắp xếp hàng, kinh doanh và khi cần là ship hàng, thường miễn phí nên giá rẻ hơn và ổn định. Có cần shipper truyền thống phải test âm tính cách ngày và đủ thứ thủ tục như hiện nay? Các shipper không giao hàng tận tay, giữ quy tắc 5K triệt để, diệt khuẩn hàng trước khi giao, không nhận tiền mặt.
Đơn giản hóa thủ tục, vừa làm giảm giá thành, tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc, vừa hạn chế ùn tắc và nguy cơ lây lan từ các chốt chặn cho cả lưc lượng kiểm tra lẫn người đi đường. Xin đừng để chợ truyền thống và shipper truyến thống đứng bên lề cuộc chiến chống dịch.
Shipper Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)