Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Xe tải Trung Quốc tung hoành nhờ giá rẻ

NAM HƯNG -

Các phương tiện truyền thông thời gian qua đăng tải rất nhiều thông tin về chuyện xe tải Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Dường như câu chuyện “hàng Trung Quốc chất lượng kém” không làm cho các dòng xe của họ yếu đi vì bù lại xe Trung Quốc có giá bán rẻ hơn nhiều so với xe của Trường Hải hay Fuso Việt Nam.

Lấn át xe trong nước

Không khó để nhận thấy trên các trục đường chính tại Việt Nam, những chiếc xe tải với tên gọi như Dongfeng, Howo (nhiều người gọi là xe “hổ vồ”), Sinotruk, FAW, JAC, Chenglong đã là nhan nhãn. Xe Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các dạng xe tải thùng mà còn lấn sang phân khúc xe đầu kéo (container) vốn dĩ trước đây là sự thống trị của các dòng xe nhập từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Dù đầy đủ các yếu tố từ đẹp ngoại hình đến nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu lâu đời, nhưng các tên tuổi lớn trong ngành xe tải vẫn chưa lấy được vị thế trên thị trường Việt Nam.
Dù đầy đủ các yếu tố từ đẹp ngoại hình đến nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu lâu đời, nhưng các tên tuổi lớn trong ngành xe tải vẫn chưa lấy được vị thế trên thị trường Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư, trong sáu tháng đầu năm có trên 56.000 ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, lượng xe dưới chín chỗ được nhập về chiếm khoảng 18.000 chiếc và còn lại là xe tải, xe khách với kim ngạch 1,2 tỉ đô la Mỹ mà trong đó, đa số xe tải nhập về từ Trung Quốc. Ở số liệu thống kê của mình, Tổng cục Hải quan công bố lượng xe Trung Quốc đưa về nước đạt 13.400 chiếc trong năm tháng đầu năm 2015, gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2014.

Không ngoa khi nói rằng xe du lịch của Trung Quốc hầu như “không có cửa” ở Việt Nam. Những dòng xe như Lifan, Haima có lúc cũng xuất hiện hiếm hoi trên đường phố và giờ đây tuyệt nhiên mất hút. Mới đây, thương hiệu xe ChangAn cũng được Tập đoàn MotoImages (Ảnh tượng Ô tô) đưa về Việt Nam nhưng khó ai dám chắc rằng dòng xe này sẽ gây biến động trên thị trường dù giá bán không cao so với các dòng xe cùng phân khúc của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Xe du lịch là thế nhưng xe tải thì khác, đem những con số về xe tải Trung Quốc nhập vào Việt Nam kể trên so sánh với tổng lượng xe tải do Việt Nam sản xuất, lắp ráp mới thấy sự chênh lệch. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, qua sáu tháng đầu năm 2015 có 6.147 chiếc xe tải được bán ra từ các thành viên của VAMA như Trường Hải (Thaco), Xuân Kiên (Vinaxuki), VEAM… Con số này so với cùng kỳ năm 2014 là giảm, dù mức giảm chưa nhiều (cùng kỳ năm 2014 là 6.279 chiếc).

Khi thế mạnh là giá rẻ

Cách đây hơn mười năm, xe gắn máy hai bánh của Trung Quốc trở thành một “cơn sóng thần” đối với thị trường xe máy Việt Nam. Khi đó, những chiếc xe kiểu dáng từ hơi giống cho đến giống gần như hoàn toàn những chiếc xe của Nhật Bản đã làm người tiêu dùng ào ào mua sắm vì giá rẻ.

Câu chuyện xe máy Trung Quốc liệu có lặp lại với những chiếc xe “hổ vồ” hay không như nhiều đồn đoán? Nhưng, chiếc xe tải hoàn toàn khác chiếc xe gắn máy, chi phí bỏ ra mua một chiếc xe máy thấp hơn nhiều và khách hàng của xe máy là cá nhân, gia đình. Trong khi đó, khách hàng của xe tải là doanh nghiệp, là tổ chức và đó là một sự đầu tư. Doanh nghiệp không có lý do gì phải từ chối một sự đầu tư nhỏ và thu lợi trong ngắn hạn. Họ chọn xe Trung Quốc thay vì phải bỏ ra số tiền gấp đôi để mua xe “hàng hiệu”.

Hồi đầu tháng này, báo chí đăng tin một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi mua một lúc 141 xe đầu kéo và xe tải do Trung Quốc sản xuất. Tổng giá trị lô xe này là 195 tỉ đồng. Trong đó, có 61 xe đầu kéo nhãn hiệu FAW, 61 rơ mooc (trọng tải 32 tấn) và 80 xe tải (trọng tải 22 tấn) nhãn hiệu Dongfeng.

Lấy thử giá bán hiện tại của các dòng xe tải của các hãng như Fuso, Isuzu, Thaco hiện nay, tổng cộng giá của lô hàng gồm các dòng xe có tải trọng và công năng không chênh lệch nhiều so với lô xe Trung Quốc kể trên thì giá bán của lô xe Trung Quốc thấp hơn cả chục tỉ đồng. Ví dụ, ba dòng xe của Thaco đang bán để “ướm giá” là xe đầu kéo Auman FV420 (giá 1,23 tỉ đồng/chiếc), xe tải Auman C340 20,4 tấn (giá 1,37 tỉ đồng/chiếc) và rơ mooc (giá 335 triệu đồng/bộ). Kết quả, giá của lô hàng này là khoảng trên 200 tỉ đồng. Tương tự, hiện Fuso cũng có bán dòng xe tải Tractor giá gần 1,8 tỉ đồng. Dòng Fighter 16 tấn cũng đang có giá bán khoảng 1,2 tỉ đồng/chiếc. Với Isuzu, dòng xe tải 24,3 tấn cũng đang được bán với giá tròm trèm 1,5 tỉ đồng/chiếc, loại đầu kéo cũng nằm trong khoảng giá 1,2 tỉ đồng/chiếc.

Tất nhiên, so sánh là khập khiểng khi công nghệ, chất lượng trên xe của Fuso, Isuzu và Thaco là hoàn toàn khác so với dòng xe mà doanh nghiệp ở Quảng Ngãi nhập về. Ví dụ, xe của Thaco là dùng công nghệ của Đức, Hàn Quốc, xe Fuso, Isuzu là của Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyện doanh nghiệp “so đo” khi mua một chiếc xe là chuyện không thể trách cứ, một khi chuyện an toàn giao thông, tính bền vững của xe không phải là chuyện lớn hơn lợi nhuận.

Một giám đốc công ty chuyên nhập các loại “đầu kéo” (loại xe chở container) tại TPHCM nói rằng ông không “chơi” với xe Trung Quốc vì sợ không bền vững. Theo đó, xe Trung Quốc giờ đây có thiết kế đẹp, nhiều chức năng và công năng như xe Mỹ, xe Nhật nhưng độ bền của các chức năng này là điều khó kiểm chứng. Thêm vào đó, xe từ nước này đã có thay đổi thiết kế phù hợp với quy định trọng tải mới đây của ngành giao thông Việt Nam. “Tuy nhiên, thay đổi bề ngoài thì cũng chỉ là bề ngoài, vấn đề là khung gầm, máy móc sẽ quyết định tất cả. Đó là chưa kể việc họ ít có những trung tâm bảo hành, bảo trì chuyên nghiệp mà chỉ chú trọng việc bán được xe”, ông nói.

Trong lần ra mắt thương hiệu xe tải Fuso dưới sự quản lý của Mercedes-Benz Việt Nam hồi tháng 10-2014, ông Albert Kirchmann, Phó chủ tịch Tập đoàn Daimler (Đức), cho rằng ông có niềm tin vào sự phát triển kinh doanh mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm tới. “Với gần 20 năm kinh nghiệm cùng nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh doanh xe du lịch, Mercedes-Benz có cơ sở để bảo đảm cho sự thành công của xe tải ở Việt Nam”, ông Albert Kirchmann nói.

Lời nói của một lãnh đạo Tập đoàn Daimler không phải là dạng khách sáo mà ngay sau đó Fuso Việt Nam đã mở rộng đại lý, lập các trung tâm kỹ thuật, chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, cuộc chơi của các hãng xe tải giờ đây gặp không ít sóng gió khi mà con số nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc cứ tăng lên từng ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ, ngành đề nghị tiếp tục chính sách giảm phí trước...

0
Chính sách giảm 50% phí trước bạ cho người mua ô tô từ tháng 7-2020 đến hết năm 2020 đã kích thích tiêu dùng...

VM Motors ra mắt dòng xe tải hạng nặng Ginga, giá...

0
(SGTTO) - Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors (VM Motors) vừa giới thiệu ra thị trường mẫu xe tải nặng thương hiệu Ginga với...

Kết nối