Lê Anh -
Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp bỏ bến xe để ra ngoài hoạt động theo dạng xe hợp đồng ngày càng tăng. Điều này khiến thị trường vận tải hành khách tại TPHCM ngày càng cạnh tranh và chưa có hồi kết giữa xe hợp đồng và xe tuyến cố định.
Xe ngoài chạy lợi nhuận cao hơn
Thị trường vận tải hành khách tại TPHCM ngày càng được mở rộng với loại hình xe hợp đồng du lịch. Xu hướng này khiến cho loại hình vận chuyển hành khách tuyến cố định truyền thống lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực trạng này, nhiều nhà xe đã bỏ bến để ra ngoài hoạt động theo dạng xe hợp đồng.
Đại diện bến xe Miền Đông cho biết, hiện nay số lượng đầu xe hoạt động tại bến giảm, kéo theo lượng khách vào bến đi xe cũng giảm theo. Theo số liệu báo cáo của bến xe Miền Đông, năm 2016 lượng xe và lượng khách xuất bến chỉ tăng 1% so với năm 2015. Năm 2015, bến xe chỉ còn khoảng 3.000 xe khách liên tỉnh, giảm hơn 1.000 xe so với 5 năm về trước.
Lượng khách và lượng xe giảm nhiều nhất là các tuyến đi Đà Lạt, Vũng Tàu và Nha Trang. Nếu như trước kia các tuyến này một ngày có khoảng vài trăm xe hoạt động thì giờ chỉ còn vài xe chạy ở bến. Tương Tự, đại diện bến xe Miền Tây cho biết, các doanh nghiệp chạy tuyến về các tỉnh miền Tây đều đưa xe vào nội thành như đường Trần Phú, Sư Vạn Hạnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, chợ An Đông để đón và và trả khách nên lượng xe và khách đến bến xe cũng giảm.
Theo đại diện bến xe Miền Đông, nguyên nhân là do ngày càng nhiều xe ra ngoài lập bến dù, hoặc hoạt động núp bóng du lịch lữ hành. Vị này cho rằng việc các xe hợp đồng và du lịch lữ hành rước khách trong nội thành với hình thức trá hình chạy tuyến cố định là cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp ở bến xe, vì lợi thế đón khách trong nội thành thu hút hành khách đi xe nhiều hơn so với bắt buộc ra bến xe. Đã nhiều lần bến xe kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý xe dù, bến cóc nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến.
Đại diện bến xe Miền Đông lo ngại, hiện nay bến xe nằm ở quận Bình Thạnh cận kề khu trung tâm mà còn ế khách do các hãng xe mở điểm đón khách trong nội thành. Sắp tới khi đưa vào sử dụng bến xe Miền Đông mới ở Suối Tiên, quận 9, nếu không có những biện pháp xử lý các bến bãi hoạt động chui thì bến xe mới này sẽ ế khách.
Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đã rời khỏi bến xe Miền Đông, nguyên nhân họ bỏ bến xe ra ngoài hoạt động vì một số dịch vụ trong bến xe mỗi năm một tăng, trong khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên ra ngoài tìm các bến đỗ có giá cả phù hợp hơn.
Lái xe của một doanh nghiệp sau khi rời khỏi bến xe cho biết, khi ra ngoài hoạt động, cứ có đủ khách là xe chạy chứ không phải chạy theo giờ cố định như ở trong bến, nhiều khi khách đầy mà chưa đến giờ đăng ký thì cũng không được xuất bến. Điều này giúp nhà xe chạy được nhiều chuyến hơn, lợi nhuận cao hơn.
Quy định còn lỗ hổng
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp vận tải đưa xe vào nội thành với hình thức dịch vụ du lịch lữ hành. Đây là một công đoạn trong dịch vụ tour du lịch, vận chuyển hành khách từ điểm đi tới điểm đến. Các doanh nghiệp này đều có giấy phép hoạt động, trong đó có đăng ký kinh doanh của ngành du lịch. Do đó, thanh tra chỉ xử phạt khi xe dừng, đậu không đúng quy định.
Theo ông Việt do các doanh nghiệp lữ hành phục vụ hành khách tốt hơn so với doanh nghiệp ở bến xe và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhiều hành khách nên được nhiều hành khách lựa chọn. Tuy nhiên, việc đón khách ở khu trung tâm cũng gây ra kẹt xe. Ông Việt cho rằng để xử lý được xe dù bến cóc và phân biệt xe hợp đồng du lịch thì các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể việc địa điểm đón trả khách để các nhà xe có thể phục vụ khách tốt nhất nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông.
Hiện nay, “xe dù, xe khách trá hình” là loại xe hoạt động đón trả khách chạy tuyến cố định mà không vào bến xe nhằm trốn các loại thuế, phí bến bãi. Loại xe này núp dưới danh nghĩa và sử dụng phù hiệu của xe hợp đồng, xe du lịch để lách luật vào nội thành đón trả khách, gây ùn tắc giao thông.
Theo các chuyên gia, việc xe dù bến cóc hiện nay hoạt động được là do Nghị định 86/2014 vẫn còn “lỗ hổng”. Ông Bùi Danh Liên, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho biết trước tình hình nhiều doanh nghiệp tuyến cố định phải rút khỏi tuyến hoặc phá sản thì nên xem xét sửa đổi Nghị định 86.
Trên thực tế, các đơn vị có xe khách trá hình thường dùng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để làm bến lậu, đón trả khách. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lại không bổ sung quy định về bãi đỗ xe, nơi đỗ xe là loại hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Do vậy, nghị định sửa đổi cần quy định rõ là cấm sử dụng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để đón, trả khách. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu quy định rõ ràng như vậy, các bãi đỗ xe, nơi đỗ xe sẽ không thể bị biến thành “bến lậu”, các xe khách trá hình sẽ phải vào bến xe để đón, trả khách theo đúng quy định.
Ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, cho biết hiện nay có doanh nghiệp tổ chức xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới hoặc liên kết với các trung tâm du lịch hoặc công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh xe hợp đồng để chở khách đi tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi. Do vậy, nghị định sửa đổi cần quy định rõ là cấm các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe hợp đồng, xe du lịch dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, cần quy định thêm đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì không sử dụng xe để kinh doanh tuyến cố định vì hiện nay nhiều đơn vị chỉ đăng ký vài xe chạy tuyến cố định để lấy lệ, lấy mác có xe chạy tuyến đó, rồi tự ý gom khách và sử dụng xe hợp đồng trá hình để chở khách đi tuyến cố định.