Nam Hưng
Theo trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam, danh sách các mẫu xe hơi từ bảy chỗ ngồi trở xuống đã được dán nhãn năng lượng là gần 150 mẫu, tính đến ngày đầu tiên của năm 2015. Trong số đó, các mẫu xe dán tem vàng thì nhiều trong khi tem xanh khá ít cho dù hai loại tem này chỉ có một ý nghĩa.
Tem nào cũng là tem
Thông tư liên tịch 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương (gọi tắt là Thông tư 43) quy định, từ ngày 1-1-2015, các loại xe du lịch từ bảy chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu, chưa qua sử dụng phải thực hiện việc dán nhãn năng lượng trước khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Có hai loại tem tiêu thụ năng lượng gồm màu xanh lá cây và màu vàng được sử dụng cho việc công bố mức độ tiêu thụ nhiên liệu của xe. Theo Phòng Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tem màu xanh lá cây thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe đã được cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận. Trong khi đó, tem màu vàng lại do doanh nghiệp tự công bố.
Với loại tem vàng, Cục Đăng kiểm chỉ kiểm tra mức độ hợp lệ của hồ sơ được nộp và phương pháp thử nghiệm được sử dụng, chứ không tiến hành bất cứ thử nghiệm nào để kiểm chứng mức tiêu thụ nhiên liệu mà doanh nghiệp công bố. Cả hai loại tem xanh và vàng đều có chức năng thể hiện các số liệu tiêu thụ nhiên liệu của xe. Tem có thời hạn lưu hành là ba năm cho mỗi lần cấp.
Trên trang web của mình, Cục Đăng kiểm công bố các mẫu xe đã dán nhãn năng lượng. Trong đó, đa số các hãng dán tem vàng và tem xanh chỉ có số ít. Cụ thể, hơn 120 mẫu xe của 17 đơn vị đã công bố dán tem vàng. Trong 17 hãng này, có ba hãng là Toyota, KIA và Peugoet đồng thời cũng đăng ký và được dán tem màu xanh từ Cục Đăng kiểm cho một vài dòng xe. Các hãng khác như Ford, BMW, MINI, Audi, Suzuki, Honda... đều đăng ký dán tem vàng.
Ở danh sách dán tem xanh, tính đến hết ngày 1-1-2015, có bốn hãng đã được chứng nhận tem xanh. Trong đó, ngoài Hyundai Thành Công dán nhãn xanh cho tất cả các mẫu xe (15 mẫu) thì các hãng khác dán tem cho ít dòng xe hơn. Ví dụ, KIA có bảy mẫu (Cerato, Soul, Cerato Koup, Optima, Sportage, Morning MT, Morning AT), Peugoet có ba mẫu (208, 408, 508), Toyota có một mẫu (Vios E).
Sợ tem xanh “uống” nhiều hơn?
Như phần trên đã đề cập, việc dán nhãn năng lượng là tem xanh hay tem vàng đều được công nhận. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công thì do có sự khác nhau về máy móc, kỹ thuật, các tiêu chuẩn thử nghiệm nên sẽ có sự chênh lệch giữa số liệu hãng công bố và số liệu do Cục Đăng kiểm kiểm định. “Thông thường số liệu do cục kiểm định theo điều kiện thực tế tại Việt Nam cao hơn 10-25% số liệu tiêu chuẩn đo của các hãng xe”, ông Đức nói.
Dù các hãng không thừa nhận nhưng chuyện sản phẩm của họ bị đánh giá “uống” (tiêu thụ nhiên liệu) nhiều hơn so với những gì họ công bố là chuyện chẳng vui vẻ gì. Chính vì vậy, lượng xe mà hãng tự công bố bằng tem vàng áp đảo hoàn toàn lượng xe dán tem xanh cũng là điều dễ hiểu. Theo quy định tại Thông tư 43, thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi từ tem vàng qua tem xanh thống nhất là ngày 31-12-2016. Như vậy, cho đến hai năm nữa, trên thị trường sẽ xuất hiện các dòng xe mà trong đó có xe thì dán tem vàng, có chiếc lại dán tem xanh.
Con tem chứng nhận mức tiêu hao nhiên liệu (lít) trên hành trình 100 km là một “thông số” tham khảo. Người tiêu dùng có thể dựa vào đây như một trong những tiêu chí trong việc chọn mua sản phẩm cho mình, đánh giá được xe nào “uống” ít, xe nào “uống” nhiều trước khí quyết định “xuống tiền” mua xe. Và giờ đây, trong khi tem vàng là do hãng tự công bố mức tiêu hao nhiên liệu còn tem xanh, ít ra cũng được một bên thứ ba (Cục Đăng kiểm) đánh giá.