(SGTT) - Lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với “ngôi nhà tự nhiên".
- Du lịch miền Trung cần nhiều ‘liều vắc-xin’ để tồn tại
- Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm chinh phục núi Chúa, Ninh Thuận
- Du lịch giữa mùa dịch: Khám phá Đàn tế trời Tây Sơn, Bình Định
Với tên “Tour Về nhà”, tham gia tour du lịch này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng mà còn trở thành “sứ giả” giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
"Tour Về nhà” gắn với việc lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, cho phép khách tham quan tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ.
Mục đích của “Tour Về nhà” là lan tỏa tình yêu thiên nhiên và sống có trách nhiệm với thiên nhiên hơn của con người. Khi chứng kiến khoảnh khắc động vật được “hồi sinh” chắc chắn mỗi du khách sẽ đón nhận năng lượng từ rừng già bằng cảm nhận riêng của mình, đồng thời xác định sứ mệnh chuyển tải thông điệp đến gia đình, người thân về trách nhiệm xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
Theo TTXVN, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương - người khởi xướng "Tour Về nhà” đầu tiên cho các loài động vật hoang dã cho biết, trong bối cảnh hiện nay, với những hệ lụy của biến đổi khí hậu và áp lực tăng trưởng “nóng” thì số ít những cánh rừng như Cúc Phương đang để cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về cách ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên.
Sau gần 3 tháng triển khai, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức thành công được 5 đợt tái thả động vật hoang dã có sự tham gia của gần 140 du khách. Đã có 101 cá thể thuộc 17 loài được tái thả về môi trường tự nhiên.
Ông Chính cho biết thêm, để đưa được một cá thể động vật hoang dã về với tự nhiên là cả một quá trình tiếp nhận, chữa trị, chăm sóc vất vả và đầy tâm huyết của các lực lượng chức năng và lực lượng chuyên môn của Vườn. Mỗi lần chứng kiến du khách tham gia tái thả động vật, tôi rất cảm động vì cộng đồng xã hội ngày càng trân quý thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các bạn trẻ. Đây là sự động viên lớn nhất cho những người làm công tác bảo tồn.
Hiệp Trần tổng hợp
Theo thống kê của Vườn quốc gia Cúc Phương, trong 10 năm qua (từ năm 2010-2020), Vườn đã cứu, hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nghiều loài nguy cấp quý hiếm. Điển hình là 20 loài linh trưởng; 34 loài rùa cạn, rùa nước ngọt; 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,... Ngoài ra, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã; cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã; tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể; xây dựng Vườn thực vật từ năm 1985 với diện tích 167ha; sưu tập và lưu giữ được trên 800 loài thực vật…