(SGTT) - Trong thời gian qua, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã hợp tác chặt chẽ trong quá trình xây dựng đa dạng sinh học.
- VQG Cát Tiên và VQG Bù Gia Mập hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững
- Tổ chức hợp tác rừng châu Á đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học tại VQG Cát Tiên
Tại Hội thảo cấp cao về định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn được tổ chức tại VQG Cát Tiên mới đây, bà Kirsten Schuijt, Giám đốc WWF, phát biểu: "WWF là một trong những tổ chức bảo tồn hàng đầu tại Việt Nam, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ chính phủ và các đối tác giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia. Tại Việt Nam, WWF rất ưu tiên hỗ trợ cho các khu bảo tồn và VQG, phối hợp cùng với họ để làm thế nào bảo tồn được các giá trị đa dạng sinh học”.
Theo bà Kirsten Schuijt, trước đây, hầu như các VQG và khu bảo tồn tại Việt Nam có dấu hiệu bị suy giảm đa dạng sinh học rất nặng nề. Trong 10 năm trở lại đây, các quần thể đa dạng sinh học tại các VQG, khu bảo tồn dần phục hồi. Hiện WWF đã và đang hỗ trợ các VQG, khu bảo tồn từ khu vực miền Trung đổ vào cho đến Cà Mau với mục tiêu tái phục hồi quần thể động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong khi đó, ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam, nhấn mạnh, VQG Cát Tiên là một trong những VQG có tính đa dạng sinh học cao, tất cả những du khách đến với Việt Nam đều muốn đến với VQG Cát Tiên một lần để nhìn thấy những quần thể động vật hoang dã bằng mắt thường và WWF đồng hành cùng VQG Cát Tiên hơn 20 năm.
Từ những năm đầu năm 2000 WWF đã hợp tác với VQG Cát Tiên để bảo vệ quần thể tê giác và đã hỗ trợ cho cộng đồng dân tộc thiểu số xung quanh vùng đệm cũng như trong vùng lõi để cùng ngành chức năng tham gia công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
"Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ VQG Cát tiên liên quan các lĩnh vực nâng cao năng lực trong công tác bảo tồn của lực lượng kiểm lâm, đội ngũ nghiên cứu khoa học giám sát tác động đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên và hỗ trợ cộng đồng dân tộc bản địa để xây dựng nhà dài làm du lịch sinh thái, giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm thiểu tác động vào rừng”, ông Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay, trước yêu cầu phát triển kinh tế, sinh kế của người dân địa phương, hàng trăm khu bảo tồn thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, thậm chí biến mất; đòi hỏi phải có sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức, tư duy tiếp cận mới về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trước khi quá muộn.
Theo nhiều chuyên gia, để bảo tồn hiệu quả những khu vực có tính đa dạng sinh học cao thì điều kiện quan trọng là tạo dựng được sinh kế bền vững dựa vào thiên nhiên cho người dân địa phương. Bên cạnh tổ chức WWF, VQG Cát Tiên cũng đã hợp tác với các dự án về bảo tồn, trong đó có hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa, cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại VQG Cát Tiên, bà Kirsten Schuijt cùng đoàn công tác WWF đã tổ chức trồng cây lưu niệm tại VQG Cát Tiên. Đoàn cũng đã đến thăm và giao lưu với cộng đồng dân tộc bản địa. WWF là đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ cộng đồng dân tộc bản địa xây dựng nhà dài và làm du lịch sinh thái, giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm thiểu tác động vào rừng..
Đinh Nam