Để vực dậy ngành du lịch sau 3 năm đóng cửa biên giới chống đại dịch Covid-19, chính quyền Hồng Kông chi khoảng 2 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 255 triệu đô la Mỹ) để mua vé máy bay và phát miễn phí do du khách quốc tế cùng với voucher mua sắm trị giá 100 đô la Hồng Kông. Ngoài ra, hơn 2.000 nhà bán lẻ ở thành phố này cũng sẽ hưởng ứng chiến dịch thu hút du khách trở lại bằng cách tặng 2,5 triệu món quà trị giá tổng cộng 100 triệu đô la Hồng Kông.
Tặng vé máy bay kể từ tháng 3, bắt đầu với thị trường Đông Nam Á
Dễ tiếp cận bằng đường hàng không và là nơi có sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa Trung Quốc và Anh, Hồng Kông là một trong những thành phố được du khách quốc tế yêu thích nhất trước đại dịch Covid-19.
Hong Kong đã đón 55,91 triệu du khách quốc tế vào năm 2019, với khoảng 80% trong số họ đến từ Trung Quốc đại lục, theo dữ liệu chính thức. Đài Loan chiếm phần lớn nhất trong số còn lại với 1,53 triệu khách, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhưng lượng du khách lao dốc trong năm ngoái khi thành phố này thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của Covid-19, bao gồm cách ly du khách tại khách sạn đến ba tuần và yêu cầu nhiều lần xét nghiệm âm tính với Covid-19. Lượng khách quốc tế đến Hồng Kông chỉ còn khoảng 600.000 người trong 2022, giảm khoảng 99% so với năm 2019.
Hồng Kông chỉ mới dỡ bỏ những hạn chế này vào ngày 6-2 và sự phục hồi chậm chạp của ngành du lịch đã phủ bóng đen lên toàn bộ nền kinh tế của thành phố. Ngân hành Theo Bank of America, du khách đóng góp chiếm khoảng 30-40% doanh số bán lẻ của Hồng Kông trong giai đoạn 2010-2019. Thành phố này cũng từng tổ chức nhiều sự kiện đầu tư và các hội nghị kinh doanh, giúp nhu cầu đặt phòng khách sạn luôn ở mức cao.
Nhưng trong năm 2022, Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ 36 trong Chỉ số 100 điểm đến thành phố trên toàn cầu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, xếp sau Singapore ở vị trí thứ 15 và Tokyo ở vị trí thứ 20. Thứ hạng trong chỉ số này xác định dựa trên các yếu tố như cơ sở hạ tầng, chính sách du lịch và sức hấp dẫn của từng thành phố.
Bị đặt vào tình trạng báo động do vị thế sa sút, trong tháng này, chính quyền Hồng Kông đã phát động chiến dịch trị giá 2 tỉ đô la Hồng Kông có tên “Hello Hong Kong” để thu hút du khách trở lại. Bắt đầu từ đầu tháng 3, chiến dịch này sẽ tặng 500.000 vé máy bay cho du khách quốc tế muốn đến Hồng Kông, cộng với voucher thực phẩm và mua sắm trị giá 100 đô la Hồng Kông.
Việc máy bay miễn phí sẽ được phân phối theo từng giai đoạn và kéo dài 6 tháng, bắt đầu với các thị trường Đông Nam Á, tiếp theo là Trung Quốc đại lục và Bắc Á, và cuối cùng là các khu vực khác trên thế giới. Vé sẽ được phát thông qua ba hãng hàng không của Hồng Kông, Cathay Pacific, HK Express và Hong Kong Airlines.
Fred Lam, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông, kỳ vọng vé tặng sẽ tạo ra hiệu ứng cấp số nhân lên số lượng du khách. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng những người nhận được vé tặng sẽ dẫn thêm 2-3 người bạn và gia đình của họ đến Hồng Kông. Dù chỉ tặng 500.000 vé máy bay nhưng chúng tôi tin rằng sẽ thu hút hơn 1,5 triệu lượt du khách”. Ông cho biết việc phân phối vé tặng có thể dựa trên hình thức rút thăm may mắn, tham gia các trò chơi, thông qua chính sách ưu tiên người đến trước, hoặc theo chương trình khuyến mãi “mua 1, tặng 1”.
Các doanh nghiệp Hồng Kông cũng đang chuẩn bị các chương trình ưu đãi của riêng họ để hưởng ứng chiến dịch Hello Hong Kong. Hơn 2.000 nhà bán lẻ sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu quà tặng trị giá tổng cộng 100 triệu đô la Hồng Kông cho du khách quốc tế, theo Hiệp hội Quản lý bán lẻ Hồng Kông.
Cửa hàng bách hóa K11 Musea đã triển khai chương trình tặng qua vào tháng 1, cung cấp cho khách hàng có hộ chiếu nước ngoài voucher mua sắm trị giá hơn 2.200 đô la Hồng Kông. Nhờ đó, doanh thu dịp Tết Nguyên vừa qua của cửa hàng này tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ phục hồi vẫn còn là dấu chấm hỏi
Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của ngành du lịch Hồng Kông ra sao vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) dự báo sẽ có 20 triệu du khách đến khám phá Hồng Kông trong năm nay, chỉ khoảng hơn 1/3 của mức cao kỷ lục của năm 2019. PwC lưu ý rằng thành phố này đã mất đi một số sức hấp dẫn như một điểm đến mua sắm cho các thương hiệu cao cấp.
“Một số thương hiệu xa xỉ đã chuyển khoản đầu tư lớn của họ sang Trung Quốc đại lục hoặc thành lập các cửa hàng đầu độc quyền ở đó. Mức chênh lệch về giá giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đang thu hẹp do tỷ giá hối đoái và sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Trung Quốc đại lục”, báo cáo của PwC cho hay.
Trong khi Macau đón 260.000 du khách quốc tế trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, con số này của Hồng Kông chỉ khoảng 90.000 du khách.
Nhà phân tích Prudence Lai tại Euromonitor cho rằng đã có sự thay đổi trong sở thích của du khách. Ông nhận thấy khách du lịch trong khu vực muốn tìm kiếm những trải nghiệm đắm chìm trong văn hóa địa phương, thay vì mua sắm đơn thuần.
“Nhìn chung, các thị trường Đông Nam Á nói chung là những nơi có giá cả phải chăng với sự hiện diện mạnh mẽ của các nền văn hóa địa phương, có thể giúp du khách du lịch tận hưởng trải nghiệm phong phú”, Lai nói.
Một số nhà quan sát lập luận rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa đặc khu Hồng Kông trở về khuôn khổ phù hợp hơn với phần còn lại của đất nước về mặt chính trị và xã hội đã tước đi cảm giác tự do riêng biệt của thành phố này. Một số công ty nước ngoài đã chuyển văn phòng châu Á của họ từ Hồng Kông sang Singapore. Nếu xu hướng tương tự diễn ra trong lĩnh vực du lịch, sức hấp dẫn của Hồng Kông sẽ còn giảm sút hơn nữa.
Ngoài chiến dịch thu hút du khách trong ngắn hạn, Hồng Kông phải đối mặt với thách thức dài hạn hơn trong việc truyền bá thông tin về những điểm đến mới đối với khách quốc tế. Trong khi Nhà hàng nổi Jumbo, từng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Hồng Kông, đã biến mất, các điểm tham quan như Bảo tàng M+ về nghệ thuật đương đại và Bảo tàng Cung điện Hồng Kông mới xuất hiện và chưa được biết đến nhiều.
Theo Nikkei Asia, CNBC
Chánh Tài
Theo Kinh tế Sài Gòn Online