Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Vừa chào tour du lịch dịp cuối năm, doanh nghiệp lại hồi hộp vì Covid-19

(SGTTO) - Từ nay đến tết là mùa kinh doanh cuối cùng của các doanh nghiệp ngành du lịch như lữ hành, nhà hàng, khách sạn… Nhiều sản phẩm mới đang được tung ra thị trường nhưng các doanh nghiệp cũng vừa làm vừa lo, vì nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 vẫn rất lớn.

Tối ngày 2-12, Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai năm 2020 với chủ đề “Không gian văn hóa, du lịch và ẩm thực - đến và trải nghiệm” sẽ được khai mạc. Sự kiện là cơ hội hiếm hoi trong năm nay để các doanh nghiệp quảng bá, tiếp cận khách hàng cho mùa kinh doanh cuối năm.

Nhiều tour giảm giá mạnh

Theo thông tin từ ban tổ chức, chương trình thu hút hơn 80 gian hàng của các doanh nghiệp du lịch, ẩm thực tại tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh khu vực Đông Nam bộ (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM…), các tỉnh miền trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng… đến các tỉnh miền Tây như Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang…

Đây là sự kiện được “nâng cấp” từ liên hoan ẩm thực được tổ chức hằng năm trước đây tại Đồng Nai. Tuần lễ nhằm tôn vinh, giới thiệu tới các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh về di sản văn hóa, ẩm thực của Đồng Nai nói riêng, của Nam bộ nói chung.

Qua đó, sự kiện giúp quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch, ẩm thực của tỉnh nhà với các tỉnh, thành, tạo cơ hội cho các đơn vị giao lưu, giới thiệu thương hiệu, chào bán các sản phẩm tour, tuyến du lịch dịp cuối năm, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.

Lễ hội du lịch
Chuẩn bị thông tin các tour khuyến mãi để giởi thiệu đến khách. Ảnh: Nam Bình.

Bà Trần Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai, thông tin, điểm nhấn của tuần lễ năm nay là hoạt động ký kết hợp tác giữa các công ty du lịch lữ hành với các khu, điểm du lịch trong việc thực hiện chương trình kích cầu du lịch. Theo đó, các đơn vị sẽ giảm từ 20-50% giá tour, tuyến và điểm đến trong thời gian tới, tùy vào mỗi đơn vị đăng ký tham gia ký kết. Đặc biệt, các đơn vị sẽ kết nối, khai thác các dịch vụ và đưa tour du lịch đường sông đi vào hoạt động.

Ngoài ra, sẽ có một chuyên đề tọa đàm về văn hóa ẩm thực của Đồng Nai do PGS.TS Huỳnh Văn Tới chủ trì nhằm đưa du khách về với không gian ẩm thực Biên Hòa xưa cũng như văn hóa của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch vực dậy hoạt động kinh doanh sau thời gian phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp kỳ vọng mùa cuối năm

Bà Trần Thị Tuyết Trâm, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long, đơn vị vận hành Khu du lịch Bửu Long (phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết, doanh nghiệp này kỳ vọng nhiều vào các chương trình tăng tốc kinh doanh dịp cuối năm. Cụ thể như việc tham gia Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai năm 2020, Bửu Long hy vọng sẽ tiếp cận được nhiều du khách hơn, vừa quảng bá thương hiệu vừa “chạy” mục tiêu kinh doanh hiếm hoi của năm 2020.

Ngay trong chiều 2-12, doanh nghiệp này ký thỏa thuận khai thác tuyến du lịch đường sông với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới, giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn khi đến với Bửu Long.

“Suốt một năm qua, trong thời gian phải tạm đóng cửa, nghỉ dịch, Bửu Long đã đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhiều hạng mục để sau khi mở cửa trở lại, có thể phục vụ du khách tốt hơn, nhất là dịp lễ hội từ nay đến cuối năm”, bà Tuyết Trâm chia sẻ.

lễ hội du lịch
Khu du lịch sinh thái Vườn Bưởi Tân Triều Năm Huệ chuẩn bị đón khách tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Đồng Nai 2020. Ảnh: Nam Bình.

Bà Vũ Thanh Bình An, Phó Chi nhánh Đồng Nai, Công ty Du lịch Đất Việt, cũng chia sẻ, doanh nghiệp mang đến tuần lễ này nhiều sản phẩm du lịch mới, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Năm ngoái, cũng tại hội chợ này, doanh thu của Đất Việt đạt hơn 800 triệu đồng.

Theo bà An, từ đầu tháng Mười đến nay, khi ngành du lịch được phép hoạt động trở lại, Đất Việt đã đón được nhiều đoàn khách, từ khách lẻ đến các đoàn số lượng lớn của các công ty, xí nghiệp đi nghỉ mát, team building… Một số tour tết dương lịch, tết âm lịch 2020 cũng đã được bán ra với số lượng khá.

Phải linh hoạt để hoạt động

Dù các chương trình kích cầu du lịch, hội chợ, khuyến mãi… vẫn đang được tổ chức rầm rộ, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng, vẫn phải rất thận trọng trước nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19. Theo các doanh nghiệp, phải có kế hoạch linh hoạt, tùy cơ ứng biến để doanh nghiệp vẫn được hoạt động, đem lại doanh thu dịp cuối năm nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động trong ngành này.

Theo quan sát của Sài Gòn Tiếp Thị, dù được quảng cáo khá rầm rộ nhưng quy mô Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực – Du lịch Đồng Nai 2020 đã có phần thu hẹp hơn trước, nhiều doanh nghiệp dù muốn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm nhưng không dám mở rộng quy mô vì lo ngại sẽ không kham nổi hậu quả nếu dịch bệnh tái bùng phát.

Lễ hội du lịch
Bưởi đường lai cam, một sản phẩm đặc sản của Đồng Nai mà khách du lịch khó có thể bỏ qua khi đến Tân Triều. Ảnh: Nam Bình.

Bà Vũ Thanh Bình An, Phó Chi nhánh Đồng Nai, Công ty Du lịch Đất Việt, cho biết, hai ngày qua, khi TPHCM phát hiện thêm bốn ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều khách hàng đặt mua tour trước đó đã gọi điện hủy tour hoặc hỏi thăm các thông tin liên quan.

Vì cũng đã đặt ra những kế hoạch ứng phó với dịch bệnh nên Đất Việt tư vấn cho khách dời ngày đi tour hoặc dời điểm đến an toàn hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp giữ được khách mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả đôi bên.

Cũng theo bà An, vì tự chủ được phương tiện vận chuyển bằng ô tô nên những khách mua tour đi xe thì doanh nghiệp có thể sắp xếp tốt, các công tác như xịt sát khuẩn, phát khẩu trang hay việc dời ngày đi… đều nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Ngược lại, những tour di chuyển bằng đường hàng không, doanh nghiệp lữ hành ở thế khó, vì các đơn vị hàng không không chấp nhận dời ngày bay hoặc chi trả tiền vé lại cho khách.

“Nhiều doanh nghiệp lữ hành phải chịu cảnh chôn vốn rất lớn ở các hãng hàng không, vì phải đặt cọc hoặc mua vé máy bay trước nhưng đến khi dịch xảy ra, không thể đưa khách đi được thì phải đến hơn 3 tháng sau, các hãng hàng không mới hoàn trả tiền vé. Mà thủ tục hoàn trả cũng rất khó khăn, phức tạp”, bà An chia sẻ.

Dẫu vậy, để có thể duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải linh hoạt kế hoạch, thay đổi các tour, tuyến liên tục. Làm sao để thu hút được khách mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả đôi bên.

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Kết nối