Thứ Năm, Tháng 7 10, 2025

Vụ tai nạn dù lượn ở Sơn Trà: cần đẩy mạnh truyền thông mức độ rủi ro đến khách hàng

A.I
(SGTT) – Sau vụ một du khách tử vong khi bay dù lượn tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nhiều ý kiến cho rằng hoạt động du lịch mạo hiểm cần được rà soát chặt chẽ, từ quy trình cấp phép đến công tác tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh việc truyền thông về mức độ rủi ro cho các khách hàng tham gia loại hình này.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Công ty Đà Nẵng Travel, cho rằng dù lượn là môn thể thao mạo hiểm mà cả cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức lẫn người tham gia đều cần nhận thức rõ rủi ro.

Với sức hút lớn tại một thành phố du lịch như Đà Nẵng, hoạt động này càng đòi hỏi phải được kiểm tra nghiêm túc và rà soát toàn diện, đặc biệt trong khâu cấp phép và đào tạo nhân lực.

Theo ông Nam, quy trình cấp phép cho các hoạt động thể thao mạo hiểm cần đi kèm các điều kiện rõ ràng, bao gồm năng lực chuyên môn của đơn vị tổ chức, trình độ kỹ thuật và khả năng xử lý tình huống của người hướng dẫn (đặc biệt là phi công dù lượn), cùng với các biện pháp truyền thông mức độ rủi ro đến khách hàng.

"Người tham gia cần được phổ biến đầy đủ thông tin về kỹ thuật bay, điều kiện an toàn và các rủi ro tiềm ẩn, dù là rất nhỏ trước khi quyết định trải nghiệm. Việc chủ động nhận thức từ phía người chơi là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu những sự cố đáng tiếc", ông nói.

Thay vì cấm đoán, ông Nam cho rằng cần nâng tầm loại hình thể thao mạo hiểm này thông qua hệ thống tiêu chuẩn quản lý bài bản, nhằm vừa đảm bảo an toàn, vừa giữ được sức hấp dẫn trong phát triển du lịch. "Đã gọi là thể thao mạo hiểm thì chắc chắn sẽ có yếu tố rủi ro. Vấn đề là chúng ta phải kiểm soát rủi ro đó một cách bài bản và chuyên nghiệp", ông nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm bay du lượn trên biển. Ảnh: TL

Cùng quan điểm, ông Văn Tiến Việt, Giám đốc Công ty Đà Nẵng Today Travel, cho biết bay dù lượn là loại hình du lịch mạo hiểm đang thu hút ngày càng nhiều du khách tại Việt Nam, nhưng hoạt động này vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro trong triển khai thực tế.

Yếu tố thời tiết là một trong những trở ngại lớn, đặc biệt tại các điểm bay như Sơn Trà (Đà Nẵng) hoặc Mù Cang Chải (Yên Bái)... nơi hoạt động bay phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên như gió, sương mù và độ ẩm. Việc phải hủy tour vào phút chót vì lý do an toàn là điều không hiếm gặp.

Một vấn đề đáng lo ngại khác theo ông Việt nằm ở ý thức và kỷ luật an toàn chưa đồng đều giữa các bên tham gia. Một bộ phận du khách vẫn xem đây là trò giải trí thuần túy, chưa tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn an toàn. Trong khi đó, có thể có khả năng một số doanh nghiệp vì chạy theo giá rẻ đã cắt giảm quy trình an toàn, dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát trong vận hành, ông Việt nói.

Ông Việt khuyến cáo du khách cần tự đánh giá tình trạng sức khỏe cá nhân trước khi tham gia, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc chấn thương.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Công ty du lịch Best Price, cho biết đối với các chương trình có yếu tố mạo hiểm như dù lượn, zipline hay trekking địa hình, doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác cung cấp dịch vụ để kiểm tra kỹ lưỡng năng lực tổ chức, giấy phép hoạt động hợp pháp, chứng chỉ huấn luyện viên, chất lượng trang thiết bị cũng như phương án đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Theo ông Tú, bên cạnh việc phối hợp kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và năng lực pháp lý của đối tác, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông về an toàn đối với du khách.

Việc này có thể được thực hiện thông qua các kênh báo chí uy tín, tổ chức buổi phổ biến kỹ năng bắt buộc trước khi khởi hành, gửi tài liệu hướng dẫn chi tiết ngay từ đầu, cũng như cung cấp thông tin cảnh báo liên quan đến sức khỏe, thời tiết và những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình tham gia tour.

Tạm dừng dịch vụ bay dù lượn ở Đà Nẵng 

Trước đó, vào khoảng 17:00 ngày 8-7, một nam du khách khi trải nghiệm bay dù lượn tại bán đảo Sơn Trà đã gặp sự cố và tử vong. Theo thông tin ban đầu, đây là chuyến bay cuối cùng trong ngày và được cho là đã thực hiện đúng các quy định về giờ bay và kỹ thuật an toàn. Người điều khiển chuyến bay cũng bị thương, hiện đang được điều trị và sức khỏe đã dần ổn định.

Ngay sau vụ việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã có quyết định tạm dừng hoạt động dù lượn tại bán đảo Sơn Trà, đồng thời yêu cầu đánh giá, rà soát toàn diện loại hình dịch vụ này.

Đơn vị liên quan trong sự việc là Công ty TNHH MTV & DV Tropical Forest, đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý cho hoạt động bay dù lượn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có năm đơn vị được cấp phép tổ chức hoạt động bay dù lượn, gồm Công ty TNHH Du lịch Dù lượn Miền Trung, Công ty TNHH Đà Nẵng Bay, Công ty Cổ phần Dù lượn Đà Nẵng, Công ty TNHH Lữ hành Tâm Phát và Công ty TNHH MTV & DV Tropical Forest.

Các đơn vị này được xác nhận là đáp ứng các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định liên quan đến hoạt động bay dù lượn không động cơ tại bãi dù lượn - bán đảo Sơn Trà. Theo đó, việc bay chỉ được thực hiện trước 17:00 hàng ngày, đồng thời phải cân nhắc điều kiện thời tiết, đặc biệt là khi có gió lớn hoặc diễn biến nguy hiểm.

Bay du lượn là sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Ảnh: TL

Theo Điều 8 Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (2017), các hoạt động như bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm trên cao được xếp vào nhóm sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.Do đó, khi tổ chức các hoạt động này, doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh buộc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn sau:- Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.- Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.- Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp.- Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Nguyên Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá vẻ kỳ vĩ của hang Hung Thoòng ở Quảng...

0
(SGTT) – Hang Hung Thoòng nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Trị (mới). Đây là một trong những...

6 điểm đến lý tưởng tại châu Âu vào đầu Thu

0
(SGTT) - Tháng Chín đánh dấu thời điểm lý tưởng để khám phá châu Âu, khi dòng khách mùa Hè bắt đầu thưa thớt,...

Quảng Trị ra mắt tour zipline mạo hiểm 600m tại thác...

0
(SGTT) - Từ tháng 8-2025, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm zipline băng qua thác Tà Đủ với chiều dài 600m, ở...

Gợi ý 11 điểm đến trong tháng Bảy

0
(SGTT) – Rạn san hô Ningaloo (Úc), bờ biển Zanzibar (Tanzania), tuyến trekking Via Dinarica (Balkan) hay đèo Khardung La trên dãy Himalaya là...

Nhiều điểm du lịch tại miền Trung tạm dừng đón khách

0
(SGTT) - Do ảnh hưởng của thời tiết xấu và hoàn lưu bão số 1 (bão Wutip), nhiều điểm tham quan tại các tỉnh...

Những lưu ý để tránh rủi ro khi leo núi mùa...

0
(SGTT) - Hoạt động leo núi trong mùa mưa tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến thất thường, địa hình trơn...

Kết nối