(SGTTO) – Câu chuyện blogger Khoa Pug đi ăn và làm cho một nữ phục vụ nhà hàng tại Nhật bỏ ra ngoài đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội. Sài Gòn Tiếp Thị đã ghi nhận ý kiến của một nhạc sĩ Nhật Bản và một blogger du lịch về vấn đề này.
Bất lịch sự, nếu không muốn nói là vô văn hóa!
Trao đổi qua điện thoại, Okiya, một nhạc sĩ sống tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết, việc chụp ảnh hay quay phim không xin phép tại Nhật liên quan đến cả văn hóa ứng xử và các nguyên tắc công cộng.
Theo anh Okiya, không có nhiều nhà hàng hay quán ăn tại Nhật cấm chụp ảnh thức ăn nhưng rất nhiều nhà hàng không cho phép chụp ảnh nhân viên của họ. “Trong trường hợp nhà hàng không cấm việc chụp ảnh với nhân viên thì du khách cũng phải được sự đồng ý của nhân viên nhà hàng nếu chụp họ. Thông thường thì phải hỏi, xin phép trước, đó là quyền cá nhân”, anh Okiya nói.
Cũng theo anh, món ăn Nhật được trình bày khá đẹp dù ở nhà hàng lớn hay nhỏ, nhiều hay ít món ăn. Tại Nhật, có một loại hình nhà hàng mà ở đó, thực khách chỉ việc thưởng thức món ăn và tất cả các khâu còn lại, bao gồm chế biến món ăn, quy cách ăn uống và thậm chí là cách cuốn một loại thức ăn... cũng đều do nhân viên làm. Khi đó, thực khách chỉ việc thưởng thức và cảm nhận, không cần phải làm gì nhiều. “Tuy nhiên , đó là cách mà họ làm hài lòng thực khách theo tiêu chuẩn của nhà hàng chứ không phải hầu chúng ta”, anh nhấn mạnh.
Về clip trên mạng, sau khi xem xong, anh Okiya thốt lên rằng “thật là bất lịch sự!”. Theo anh Okiya, cô nhân viên trong clip đã nhấn mạnh rằng không chụp hình không quay phim. “Ăn nóng mới ngon, quý khách nên ăn”. Tiếp đó, cô này đã bỏ ra ngoài vì rất bực tức hành vi của Khoa Pug và bạn anh ta.
“Chúng tôi có nguyên tắc ứng xử công cộng về việc chụp ảnh hay quay phim. Chúng tôi sẽ không cho phép ai ghi hình ảnh của mình khi chúng tôi không thích. Hành vi trên, nếu báo cảnh sát thì anh chàng kia sẽ bị phạt tiền, tịch thu máy quay và thậm chí bị kết án”, anh Okiya nói.
Không biết ứng xử
Chị Bích Hà, một người Việt sống tại Segataga (Tokyo) nhiều năm nay, cho biết người Nhật hiểu rõ về quyền cá nhân của mình đối với việc bị chụp ảnh, quay phim khi họ không muốn.
Theo chị Hà, ngay cả đài truyền hình Nhật Bản, khi muốn quay cảnh công cộng thì cứ quay thôi nhưng nếu bất kỳ người nào trong khung hình đó họ không thích thì đài truyền hình phải dừng và cắt ngay cảnh đó. “Ví dụ, khi tôi đi trên phố và phát hiện ra đang có máy quay mà có hình ảnh tôi trong đó, tôi yêu cầu và họ sẽ dừng rồi xóa ngay trước mặt tôi cảnh quay đó”, chị Hà nói.
Vì vậy, theo chị Hà, khi quay cảnh công cộng, để tránh làm phiền người khác, quay phim hoặc người của đài truyền hình phải xin phép và thậm chí nhờ những người ở nơi công cộng ký vào một văn bản đồng ý cho phép quay phim.
Với chị Liên Hương, một blogger du lịch hiện đang sống tại TPHCM, cho biết chị đi Nhật rất nhiều và việc tìm hiểu văn hóa ẩm thực tại quốc gia này là việc chị đã làm nhiều năm nay. Chị bày tỏ thái độ gay gắt với kiểu làm làm clip review du lịch của Khoa Pug, và cho rằng việc này rất "mất tư cách".
Đánh lừa người xem
Cũng như ý kiến của anh Okiya, chị Hương cho rằng Khoa Pug đang lầm tưởng vì không đủ khả năng hiểu văn hóa nước sở tại hoặc do cố tình nghĩ rằng nhân viên người Nhật đang “hầu” anh ta. “Họ làm cho mình vui về dịch vụ khi mình trả tiền theo quan điểm là chất lượng như cam kết chứ không phải chi tiền rồi muốn làm gì thì làm", chị Hương nói.
Về nhà hàng được nêu trong bài, chị Hương cho rằng Khoa Pug đánh lừa người dùng, đa số là những người chưa đi Nhật và ăn uống theo loại hình này. Chị cho biết, kiểu nhà hàng trên là rất bình thường và có nhiều ở Tokyo với chi phí một buổi ăn cũng rất bình thường, chưa bao giờ được đưa vào dạng sang trọng hay đắt đỏ.
“Anh ta thể hiện kiểu như có tiền mới vào đây và chỉ cần chi tiền thì được hầu hạ. Anh ta đang khiến người xem nhầm tưởng về thực tế và qua đó tự đánh giá bản thân mình quá cao”, chị Hương nói.
Hoàng Bảo