KIM AN -
Trong khi các vụ khủng bố xảy ra nhiều nơi, các quốc gia phát triển càng thắt chặt hơn quy trình kiểm soát thị thực (visa) du lịch. Nhưng liệu điều này có thật cần thiết?
Thị thực dán trên hộ chiếu cho phép khách du lịch được đến một quốc gia nào đó nhưng một số quốc gia lại đòi hỏi quá nhiều điều kiện để có thể được cấp thị thực. Thị thực là cách để một chính phủ kiểm soát đường biên giới, nhưng quy trình kiểm tra, xem xét giấy tờ và chi phí xin thị thực cũng làm giảm đi lượng khách du lịch và doanh nhân hợp pháp.
Như tại Mỹ, đầu tháng 12-2015, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chương trình miễn thị thực, siết chặt quy định về việc nhập cảnh vào Mỹ với công dân 38 nước đang được hưởng quy chế miễn thị thực của nước này. Theo luật mới, tất cả những người được phép hưởng quy chế miễn thị thực của Mỹ nhưng đã từng đến Iraq, Syria, Iran và Sudan sau ngày 1-3-2011 sẽ bị kiểm soát kỹ. Luật mới cũng yêu cầu sử dụng hộ chiếu điện tử đối với 38 nước trong danh sách trên, đồng thời kêu gọi các nước này tăng cường chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến các đối tượng bị nghi là tội phạm hoặc khủng bố.
Theo nghiên cứu tại Viện Cato, Mỹ, khách du lịch đã bỏ ra từ 90 tỉ đến 123 tỉ đô la Mỹ hàng năm khi du lịch đến Mỹ bằng thị thực du lịch. Viện này còn ước tính rằng thị thực làm giảm lượng giao dịch và các khoản đầu tư trực tiếp giữa bất kỳ hai quốc gia nào đến 25%.
Công việc của các nhà làm chính sách là cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Theo tờ Economist, có vẻ như các chính sách về thị thực không mang lại lợi ích cho giới doanh nhân ngắn hạn và du lịch. Vì nếu xét về an ninh quốc phòng, tấm giấy thị thực vẫn chưa đủ. Những kẻ khủng bố có thể sống ngay tại đất nước đó, và cũng có thể là người ngoại quốc mang thị thực hợp pháp như những kẻ khủng bố 11-9, hay có thể là những người vượt biên trái phép. Áp đặt hạn chế thị thực dựa vào quốc tịch là chưa hợp lý, vì đánh đồng những kẻ có mưu đồ với những người du lịch bình thường.
Tương tự, câu chuyện về cư trú bất hợp pháp cũng vậy. Để xác định du khách nào có thể ở quá thời hạn trên thị thực là nhiệm vụ chính của nhân viên xét thị thực. Các quốc gia châu Âu thường đòi hỏi bảng kê ngân hàng trong vài tháng, giấy trả lương, chứng minh về tài sản và bất động sản, tiền nộp thuế và cả thư của giám đốc cam đoan rằng nhân viên của họ sẽ trở về. Khi Canada bỏ quy định về thị thực đối với công dân Cộng hòa Séc vào năm 2007, số lượng du khách người Séc tăng lên gần 33%, khi điều luật hạn chế đưa ra lại vào năm 2009, sau khi các đơn xin tị nạn gia tăng, du khách người Séc đến đây giảm gần 70% trong vòng ba năm. Thay vì nhắm vào việc giải quyết về vấn đề du lịch, các nhân viên có thời gian để giải quyết hồ sơ tị nạn nhanh hơn. Những điều luật này sau đó được nới lỏng trở lại.
Quy trình xin cấp thị thực nhiều nước cũng rất rắc rối và rườm rà. Vương Quốc Anh có mức phí cấp thị thực rất cao (133 đô la đối với người Việt du lịch ngắn hạn) và yêu cầu vô số giấy tờ, đòi hỏi người nộp đơn xin thị thực điền vào mẫu đơn cấp thị thực dài nhiều trang, cung cấp danh sách của mỗi chuyến đi ra nước ngoài trong vòng thập niên trở lại và khai báo rằng họ chưa bao giờ có các hoạt động khuyến khích khủng bố. Trong khi đó, khu vực các nước châu Âu sử dụng thị thực Schengen quản lý kiểm tra du khách chỉ với hai trang giấy. Chương trình miễn thị thực của Mỹ cho phép công dân của 38 quốc gia đến chỉ bằng việc điền vào mẫu đơn khá đơn giản trên mạng với thông tin cá nhân cơ bản.
Ngoài ra, thông tin thông thường có vẻ vẫn chưa đủ, cả với công dân trong nước lẫn du khách nước ngoài. Các quốc gia có nhiều người đến nhất giờ đây đòi hỏi thêm dữ liệu về sinh trắc học, như dấu vân tay và quét võng mạc. Nhiều nước cũng đòi hỏi thông tin hành khách thêm trước khi du khách được cho phép lên máy bay. Kiểm tra chéo các dữ liệu này cùng với dữ liệu về tội phạm thường sẽ tránh việc tìm tòi dài hơi về sau.
[box] Đại diện nhóm Công tác Du lịch thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 (VBF 2015) trong năm 2015 đã than thở việc thu phí cấp thị thực là “thiển cận” và visa đang là “rào cản lớn nhất” của du lịch Việt Nam. VBF kêu gọi Chính phủ miễn thị thực cho các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand vì số lượng khách du lịch tới từ những quốc gia này chiếm đến 1,6 triệu lượt mỗi năm. VBF cũng ước tính nếu miễn phí thị thực, mức tăng trưởng lượng khách du lịch đến Việt Nam có thể tăng khoảng 10%, nghĩa là khoảng 160.000 khách.
Hiện tại, Việt Nam đã miễn thị thực cho 16 quốc gia ở ASEAN, Bắc Âu và Đông Bắc Á. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang xem xét mở rộng diện miễn visa. So với các nước láng giềng, Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 quốc gia, Malaysia 155 quốc gia và Singapore 150 quốc gia.[/box]
Thời hạn cấp thị thực cũng có một số điểm chưa ổn. Quốc gia nào cũng muốn nắm rõ và chi tiết thông tin của người nộp đơn. Châu Âu thường chỉ cấp thị thực ngắn hạn trong vòng 10 ngày. Điều này có nghĩa người du lịch đến khu vực châu Âu buộc phải chứng minh mục đích tốt đẹp của họ nhiều lần, lặp đi lặp lại, dẫn đến việc ngại chuẩn bị giấy tờ và có ít người nộp đơn hơn, giảm lượng du khách.