(SGTT) - Sau những nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên khắp các tỉnh, thành, Việt Nam gần cán mốc tiêm 50 triệu liều vắc-xin Covid-19.
- Lực lượng chi viện rút khỏi TPHCM chậm nhất là trước ngày 15-10
- Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản mới nhất
- Đối tượng nào về từ vùng dịch không cần cách ly tập trung?
Theo Sức khỏe & Đời sống, tính đến 11:00 ngày 7-10, Việt Nam đã tiêm chủng được 49.967.935 liều vắc-xin Covid-19, trong đó, chỉ riêng ngày 6-10 cả nước đã tiêm được 1.167.626 liều.
Được biết, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên của bốn khu vực Nam, Tây Nguyên, Trung, Bắc lần lượt là 59,2%; 15,4%; 42,6% và 45,8%. Trong đó, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TPHCM, Long An, Bình Dương là 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vắc-xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Và có đến 38/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vắc-xin cho từ 10-30% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Về số lượng vắc-xin Covid-19 phục vụ cho công tác phòng, chống dịch ghi nhận từ nay đến cuối năm dự kiến về khoảng 55 triệu liều. Từ nay đến nửa đầu năm 2022 dự kiến nước ta tiếp cận khoảng 150 triệu liều.
Ngày 7-10: TPHCM giảm 230 ca mắc mới so với ngày trước đó
Theo bản tin tối 7-10 của Bộ Y tế, cả ngày Việt Nam ghi nhận 4.150 ca mắc mới, trong đó, 4 địa phương có số ca mắc cao hơn 100 lần lượt là TPHCM (1.730), Bình Dương (840), Đồng Nai (589), An Giang (186).
Như vậy, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.147 ca/ngày. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (55), Tây Ninh (43), Hậu Giang (30); trong khi một số địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TPHCM (-230), Trà Vinh (-31), Bình Thuận (-28).
Về số ca khỏi bệnh, tính từ đợt dịch lần 4 đến này là 753.309/822.238 ca mắc. Liên quan đến tiêm chủng phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước ghi nhận 6-10 có 1.086.638 liều liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm đạt mức 49.254.925 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.448.527 liều, tiêm mũi 2 là 12.806.398 liều.
Với các ca nặng đang điều trị qua thống kê cho thấy có 5.605 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 3.769, thở oxy dòng cao HFNC là 911, thở máy không xâm lấn là 157, thở máy xâm lấn là 745 và điều trị ECMO là 23 ca. Số ca tử vong tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc.
TPHCM thí điểm cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19
Nhằm mở rộng các cơ sở điều trị Covid-19, TPHCM dự tính dùng nguồn kinh phí phòng chống dịch để thí điểm trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
Theo plo.vn, thành phố dự kiến thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13 và 14 năm 2019.
Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và giá thanh toán tương đương các cơ sở y tế công lập.
Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị (không sử dụng ngân sách nhà nước), thành phố cho phép các cơ sở thực hiện theo nguyện vọng của bệnh nhân. Sau khi có hướng dẫn từ các bộ ngành Trung ương, Sở Y tế TPHCM và các cơ sở y tế tư nhân sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Tại cuộc họp báo chiều 7-10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết học sinh thành phố đang học trực tuyến với tỷ lệ khối tiểu học trên 97%, THPT trên 99%. Dự kiến, học sinh tại thành phố có thể đến lớp học từ học kỳ 2 năm học 2021-2022 nếu UBND TPHCM cho phép và các trường bảo đảm bộ tiêu chí an toàn trường học.
Phúc An tổng hợp