(SGTT) - Ứng phó khắc phục kịp thời các sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng tại một số hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế trọng yếu là nhiệm vụ trọng tâm của Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng quốc gia.
- Năm 2024: Hơn 659.000 vụ tấn công mạng nhắm vào doanh nghiệp Việt
- Những "quy tắc vàng" giúp tránh bị lừa đảo qua mạng
Mới đây, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia công bố thành lập Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng quốc gia. Liên minh hiện có hai đơn vị chuyên trách bảo đảm an ninh mạng tham gia là Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Thêm nữa là một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực an ninh mạng như Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn FPT, Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC, Công ty cổ phần công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), Công ty Cổ phần MISA, Công ty cổ phần BKAV Cyber Security...
Trong thời gian tới, liên minh sẽ tiếp tục được mở rộng, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia làm thành viên của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước.
Được biết, liên minh được thành lập trên cơ sở quy định của Luật An ninh mạng, nhiệm vụ trọng tâm là sẵn sàng ứng phó khắc phục kịp thời các sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng xảy ra tại các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế trọng yếu. Đồng thời, liên mình cần đảm bảo việc thu thập dữ liệu, chứng cứ điện tử tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự để xử lý tội phạm mạng theo quy định pháp luật.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin, trong năm 2024, cục đã chủ trì, điều phối, ứng phó khắc phục 27 sự cố an ninh mạng lớn xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trọng yếu; cử cán bộ hỗ trợ các đơn vị khắc phục và xử lý sự cố, triển khai các biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng.