(SGTT) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông tin, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu đô la Mỹ cho các kết quả về giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon). Kết quả này nhờ việc hạn chế được tình trạng mất rừng, suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.
- Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng?
- Cơn bùng nổ thị trường tín chỉ carbon giúp Brazil tái tạo rừng nhiệt đới
TTXVN đưa tin, Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.
Theo đó, cả nước đã giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon trong giai đoạn từ ngày 1-2-2018 đến 31-12-2019. Đây cũng là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải, lượng giảm phát thải giai đoạn 2018-2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2. Ngân hàng Thế giới đã thông báo cho Việt Nam về việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu tấn CO2 bên ngoài số lượng hợp đồng.
Chương trình giảm phát thải của Việt Nam giúp bảo vệ các khu rừng nhiệt đới của đất nước, bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu hecta đất trong khu vực thực hiện chương trình. Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng.
Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp là quỹ hợp tác toàn cầu, hỗ trợ các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức của người bản địa tập trung thực hiện giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng. Đồng thời, hỗ trợ bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng ở các nước đang phát triển, các hoạt động thường được gọi là REDD+.