(SGTT) - Ngày 8-3, Việt Nam sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin AstraZeneca đã được nhập khẩu trước đó. Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử.
- AstraZeneca cần ít nhất 6 tháng để cập nhật chống lại các biến thể
- Tiêm vắc-xin ở Việt Nam có tốn tiền hay không?
Những liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được nhập về sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Ngày mai (6-3), Bộ Y Tế tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vắc-xin, cũng như xử lý tai biến sau tiêm.
Theo TTXVN, việc phân bổ vắc-xin trên được ưu tiên trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương do lượng vắc-xin lần này quá ít so với nhu cầu thực tế).
Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc-xin.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiêm vắc-xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc-xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc-xin AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế có thông tin thêm, hiện nay khi nhu cầu vắc-xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc-xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
Trước đó, hơn 117.600 liều vắc-xin AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Đến nay, sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc-xin xuất xưởng.
Dung Trần tổng hợp