NGUYÊN THƯƠNG -
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất đưa thêm giống lúa Nhật Japonica vào danh mục giống lúa được chọn để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Tôi không hiểu vì sao lại chọn một giống lúa của Nhật để làm thương hiệu gạo quốc gia, không lẽ đã hết giống lúa đặc sản rồi sao?
Gia đình tôi có một công ty nhỏ, đặt tại An Giang, chuyên trồng và chế biến gạo Japonica để bán trong nước và xuất khẩu. Đây là loại gạo đặc thù, có nguồn gốc từ Nhật Bản, hình hạt tròn, khi nấu lên thì dẻo, thơm, nhiều nhựa. Đặc biệt nhất là loại gạo này chuyên dùng để làm các món cơm cuộn, cơm kẹp ở Nhật Bản, Hàn Quốc vì độ dẻo gần giống gạo nếp. Giá gạo cũng rất cao, bán ra tại Việt Nam khoảng 29.000 đồng/kg, gấp đôi gạo thường.
Những người nhập khẩu loại gạo của chúng tôi cũng để phục vụ trong các nhà hàng Nhật, Hàn Quốc, còn rất ít người mua về ăn như các loại gạo thông thường khác. Ngoài việc vì giá cao thì loại gạo này ăn rất ngán, vì nhạt hơn các loại gạo Việt Nam. Vì thế thị trường gạo Nhật tại Việt Nam rất hẹp. Hàng chúng tôi có mặt tại rất nhiều siêu thị lớn ở TPHCM như Maximark, Aeon Citi Mart, hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart, Shop&Go… nhưng lượng tiêu thụ không đáng là bao. Ở Việt Nam không nhiều công ty trồng giống lúa này, trong đó lớn nhất có lẽ là Công ty Angimex-Kitoku, một liên doanh của Việt Nam và Nhật Bản.
Kể đến đây để thấy cái lạ khi chọn loại gạo này để làm thương hiệu gạo quốc gia. Một là nó không phải giống gạo Việt Nam, như giới thiệu tại trang web của Angimex Kitoku thì công ty này trồng và chế biến gạo Nhật hạt tròn, và chú thích rõ loại gạo này còn được gọi là gạo Japonica. Nói như giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, trên các báo, nếu Japonica là giống của Việt Nam mới nên chọn, vì nếu không rất dễ xảy ra tranh chấp.
Hơn nữa đây là giống lúa khó trồng, bà con nông dân thường than trời với sự “đỏng đảnh” của loại lúa này. Đó cũng là lý do khiến cho không nhiều doanh nghiệp trồng lúa Japonica. Nguồn cung trên thị trường vì thế cũng hạn chế.
Chưa kể, việc tiêu thụ loại gạo này như tôi nói ở trên, rất khó, vì khó dùng để ăn cơm hàng ngày mà chỉ dùng để làm bánh, cuộn sushi…
Các khách hàng của các nước nhập khẩu gạo Japonica của công ty tôi cũng đều dùng gạo để chế biến món ăn, không phải để ăn cơm trắng. Do đó, nhu cầu không lớn như các loại gạo thông thường.
Như vậy, về cả cung, cầu đều rất khó phát triển mạnh, tên giống gạo lại chẳng giống như “Nàng Thơm chợ Đào”, “Tài Nguyên”, “Lài sữa”, nếp “Hương”… đậm chất Việt Nam, mà rất Nhật Bản “Japonica”.
Tất cả các yếu tố trên cộng lại cho thấy sự cần cân nhắc để chọn một loại gạo Việt Nam hơn là giống gạo mà VFA đề xuất.
Tôi nghĩ chỉ riêng miền Tây Nam bộ cũng đã có hàng chục giống lúa, loại gạo. An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… đều là những nơi trồng nhiều loại gạo thơm ngon nổi tiếng. Vì sao không chọn những loại gạo giống Việt Nam, vừa thơm ngon, vừa có thể trồng được số lượng lớn? Như vậy, khi thành thương hiệu quốc gia, có thể dễ dàng nhân rộng, phục vụ xuất khẩu, sẵn dịp để quảng bá cho gạo Việt Nam, thay vì phải mất thời gian đi xây dựng thương hiệu cho một giống gạo, vốn là đặc sản của nước khác.