Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn định giúp Singapore trở thành nơi hấp dẫn để các công ty khởi nghiệp (startup) đặt đại bản doanh của doanh nghiệp ở khu vực châu Á.
Singapore là nơi đặt trụ sở của 93 công ty có tên trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng cao ở khu vực châu Á-Thài Bình Dương năm 2024. Ảnh: AP

Thành phố có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao ở châu Á

Theo bảng xếp hạng được Financial Times (FT) bình chọn thường niên dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 4 năm trước đó, Singapore là nơi có nhiều công ty lọt vào bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay.

Kết quả xếp hạng mới nhất không phải là điều bất thường đối với quốc gia thành phố chỉ có 6 triệu dân này. Là trung tâm giao thương giữa Đông và Tây, quốc đảo Sư tử từ lâu trở thành điểm đến hàng đầu của các doanh nhân và nhà đầu tư nhờ vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, chính sách hỗ trợ của chính phủ, khung pháp lý chặt chẽ và nguồn nhân tài kết hợp trong nước và ngoài nước.

Gần đây, sức hấp dẫn của Singapore với tư cách là nơi đặt nền tảng kinh doanh được củng cố bởi lập trường trung lập của Singapore trong căng thẳng Mỹ-Trung. Các công ty chọn Singapore làm đại bản doanh vì muốn tránh rủi ro từ các căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Với 93 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng cao ở châu Á-Thái Bình Dương của FT, Singapore đứng ở vị trí thứ nhật, vượt qua các thành phố lớn khác trong khu vực như Seoul và Tokyo. Tuy nhiên, nếu xét trên phạm vi toàn quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có số doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng này cao hơn so với Singapore. Theo FT, Trung Quốc không được xếp hạng vì các khó khăn trong việc đánh giá dữ liệu của các doanh nghiệp của nước này.

Các công ty tăng trưởng của Singapore cũng rất đa dạng, có mặt trong hàng loạt lĩnh vực như sản xuất, trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm, hàng hóa và chăm sóc sức khỏe.

“Singapore là quốc gia trung lập, được xem là Thụy Sĩ của châu Á. Điều này rất quan trọng với tình hình địa chính trị trên toàn cầu. Nước này cũng có nguồn nhân tài lớn và có danh tiếng tuân thủ luật pháp cao”, Dylan Ng, đồng sáng lập Lionsbot, nhà sản xuất robot lau dọn đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng của FT nói.

Phần lớn khách hàng của Lionsbot nằm ở bên ngoài Singapore. Công ty hiện đang tập trung phát triển ở các thị trường nước ngoài, bao gồm Mỹ và châu Âu, sau khi huy động được 35 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A hồi năm ngoái.

Lionsbot, startup sản xuất robot lau dọn, đặt trụ sở chính ở Singapore dù phần lớn doanh thu của công ty đến từ bên ngoài thành phố này. hypeandstuff.com

Dễ dàng huy động vốn từ nhà đầu tư

Ngay cả những công ty không kinh doanh ở Singapore cũng đánh giá cao của việc đặt đại bản doanh ở thành phố này. iCare đặt trụ sở chính ở Singapore nhưng không có hoạt động kinh doanh hoặc đội ngũ nhân viên cốt lõi ở đó. Startup này đứng thứ 65 trong danh sách xếp hạng của FT năm nay với tốc độ tăng trưởng gộp doanh thu trung bình hàng năm là 115% trong giai đoạn 2019-2022. iCare cung cấp khả năng tiếp cận các thiết bị cơ bản gồm máy giặt, tủ lạnh và nồi cơm điện… cho nữ công nhân nhà máy có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển, như Lào và Campuchia.

Pablo Alonso Caprile, đồng sáng lập iCare, cho biết việc đặt trụ sở ở Singapore mang lại “lớp an toàn”.

“Lợi ích của việc đặt trụ sở ở Singapore thể hiện ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, Singapore là nơi có thủ tục giấy tờ và báo cáo đơn giản, trong khi các tiêu chuẩn kế toán và công bố thông tin cao ở đây mang lại sự yên tâm các nhà đầu tư”, Caprile nói.

Ông cho biết thêm, Singapore cũng là một trung tâm huy động vốn của khu vực. Caprile làm việc chủ yếu ở Campuchia nhưng thường xuyên bay đến Singapore vì nhiều nhà đầu tư của iCare hiện diện tại quốc đảo này.

iCare hợp tác với các nhà máy để cho phép công nhân mua những món đồ gia dụng điện tử mà họ cần bằng phương thức trả góp, không tính lãi suất. iCare kiếm lợi nhuận từ các đại lý và xử lý các khoản hoàn trả trực tiếp với các nhà máy. Công ty đã vận hành thành công dịch vụ này kể từ năm 2015, trước khi xu hướng “mua trước, trả sau” (BNPL) rộ lên.

Skrya, một công ty khác có trụ sở tại Singapore và đứng ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng của FT, cũng kiếm phần lớn doanh thu từ bên ngoài thành phố. Skrya giúp khách hàng, chẳng hạn như các công ty phụ tùng ô tô, mua các vật liệu tái chế như palladium, rhodium và bạch kim trong bộ lọc khí thải ô tô thông qua ứng dụng Catalopedia. Khách hàng có thể sử dụng công nghệ AI và 3D của ứng dụng này xác định mức giá tốt nhất.

“Chúng tôi đang cố gắng triển khai mảng kinh doanh cũ là tái chế vật liệu theo cách hiện đại, dựa vào các ứng dụng và công nghệ”. Sivakumar Avadiar, CEO của Skrya nói.

Skrya có một số cơ sở tái chế và đội ngũ khoảng 10 nhân viên ở Singapore. Công ty có kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm nay, với dự định mở một nhà máy tái chế mới ở Ấn Độ và đặt mục tiêu tăng thêm doanh thu từ 30-40 triệu đô la Mỹ.

Bệ phóng để mở rộng ra thị trường quốc tế

Avadiar đánh giá, danh tiếng ổn định và việc dễ dàng thành lập công ty tại đó đã khiến Singapore trở thành lựa chọn tốt nhất để đặt đại bản doanh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về việc chi phí điều hành doanh nghiệp ở Singapore đang tăng lên trong những năm gần đây.

Một cuộc khảo sát về tâm lý kinh doanh của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore hồi tháng 1 cho thấy, chi phí kinh doanh tăng là thách thức hàng đầu mà các công ty đang phải đối mặt, đặc biệt là chi phí nhân lực.

Ngay cả đối với các startup công nghệ, chẳng hạn như X0PA AI, một công ty phần mềm sử dụng AI và tự động hóa để giúp khách hàng tuyển dụng nhân viên tốt và nhanh hơn, môi trường kinh doanh cũng đang trở nên khó khăn hơn.

“Thị trường đã có sự điều chỉnh lớn trong vài năm qua. Chúng tôi phải tự chấn chỉnh và lùi lại một bước để tập trung vào tăng trưởng bền vững hơn”, Nina Suri, người sáng lập X0PA AI nói.

X0PA AI đang lên kế hoạch huy động thêm vốn. Suri cho biết, công ty dự kiến hòa vốn trong quí này và có lãi vào cuối năm 2024. Singapore là thị trường lớn nhất của X0PA AI nhưng công ty hiện tập trung mở rộng sang châu Âu, Trung Đông và châu Phi cũng như Mỹ.

Suri chia thời gian làm việc giữa Singapore và London. Bà cho biết, hệ sinh thái của Singapore, bao gồm các nguồn lực, nhân tài và sự hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như các khoản trợ cấp, khiến việc X0PA AI đặt trụ sở ở đây điều “không cần bàn cãi”.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp như chúng tôi không thể tồn tại và phát triển đủ nếu như chỉ kinh doanh ở Singapore. Chính phủ hiểu điều đó và chúng tôi đã nhận được trợ cấp để mở rộng sang các thị trường nước ngoài bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Anh”, Suri nói.

Dù vậy, vẫn có rất nhiều công ty Singapore trong danh sách xếp hạng doanh nghiệp tăng trưởng cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024 nhìn thấy cơ hội ở thị trường nội địa nhỏ bé này.

Doctor Anywhere, khởi đầu là một startup về chăm sóc sức khỏe từ xa, đang phát triển nhanh chóng dịch vụ ngoại tuyến. Gần đây, công ty vận hành một cơ sở chẩn đoán hình ảnh và khám sàng lọc sức khỏe. Doctor Anywhere đứng thứ 55 trong danh sách xếp hạng của FT với tốc độ tăng trưởng doanh thu gộp hàng năm là 124%.

“Chúng tôi đang tập trung xây dựng hoạt động kinh doanh ở Singapore trước khi nhân rộng nhiều dịch vụ sang các nước khác mà chúng tôi đang hiện diện trong khu vực, gồm Malaysia và Philippines. Khi mọi người biết bạn là một doanh nghiệp đến từ Singapore, họ sẽ đánh giá đây là một doanh nghiệp đàng hoàng, tuân thủ pháp luật”,  Wai Mun Lim, đồng sáng lập của Doctor Anywhere nói.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp gắn với du lịch Huế

0
(SGTT) - Trong số 13 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh trong buổi lễ...

Dự án các loại bánh làm từ khoai mì đạt giải...

0
(SGTT) - Dự án "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami" của anh Mai Tuấn Anh (TPHCM) đã nhận giải nhất cuộc thi...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Khởi nghiệp ở tuổi U-80

0
(SGTT) - Như Kinh tế Sài Gòn đã có bài trên số báo 10-2024, mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump thành...

Quỹ mạo hiểm sẽ chú trọng các startup châu Á ứng...

0
(SGTT) - Các quỹ mạo hiểm nên thay đổi cách cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, vì những startup ứng dụng trí...

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực...

0
(SGTT) -  Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng...

Kết nối