(SGTT) - Trong đại dịch, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu mắc Covid-19, đa số không có bệnh lý nền và đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
- Công ty Việt Á từng hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM xét nghiệm RT-PCR
- Toàn cảnh vụ “thổi giá” bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 của Công ty Việt Á
- Các hãng vắc-xin chạy đua phát triển mũi tăng cường ứng phó biến thể Omicron
Theo báo Dân trí, tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên diễn ra vào ngày 23-12, BS Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, trong đại dịch đã và đang diễn ra, bệnh viện có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu bị mắc Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân viên y tế mắc Covid-19 tại BV phân bố ở nữ giới cao gấp gần 2,5 lần so với nam giới và đa phần là người trẻ.
Các F0 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đa số không có bệnh lý nền đi kèm (80,2%) và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 (96,5%). Họ có nguy cơ cao tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây (67,3%) nên dễ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, các F0 này khi mắc bệnh đều ở mức độ nhẹ (viêm đường hô hấp trên cấp tính) hoặc không có triệu chứng và sớm khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong.
TPHCM không bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2022
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 vào chiều ngày 23-12, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM, cho biết bắn pháo hoa là hoạt động thường xuyên vào dịp lễ lớn (30-4 và 2-9), Tết Dương lịch và Nguyên đán tại TPHCM phục vụ người dân và du khách.
Đây là lần thứ hai sau nhiều năm đô thị lớn nhất nước không bắn pháo hoa mừng năm mới Dương lịch. Năm 2017, thành phố không bắn pháo hoa dịp Tết để dành kinh phí chăm lo người nghèo.
Về các sự kiện mừng năm mới khác, ông Hải cho biết, ngày 20-12, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động đón chào năm mới dương lịch. Trong đó, có các sự kiện countdown (đếm ngược) chào năm mới 2022 tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (quận 1).
Ngày 23-12: Việt Nam có 16.377 ca Covid-19
Tính từ 16:00 ngày 22-12 đến 16:00 ngày 23-12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.377 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 16.367 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk giảm 206 ca, Hải Phòng giảm 197 ca và TPHCM giảm 192.
Ngoài ra, những địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Định tăng 196 ca, Hà Nội tăng 128 ca và Thanh Hóa tăng 110. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.909 ca/ngày.
TPHCM có 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc-xin Covid-19
Theo Zingnews, ngày 23-12, Sở Y tế TPHCM cho biết sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", TPHCM có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó 24.420 người chưa tiêm vắc-xin (chiếm tỷ lệ 4,2%).
Sở Y tế TPHCM cho biết tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc-xin ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm chủng tại nhà.
Minh Thảo tổng hợp