Nguyễn Ngọc Tuyết
Bước qua một cây cầu gỗ nho nhỏ, quẹo trái xuống một con đường đất cũng nho nhỏ rồi đi sâu vào khoảng hơn trăm mét là đã tới cái xóm chài dễ thương của dì Tư Hiệp, nơi mỗi lần ra Phú Quốc tôi đều trở lại, bởi trong lòng tôi đó chính là “dấu xưa tích cũ” còn ghi.
Nằm cách thị xã Phú Quốc khoảng 10 km, con đường vào xã Cửa Cạn khi tôi đến lần đầu còn gập ghềnh, lởm chởm nhưng hai bên đường cảnh quan rất nên thơ với những vườn cây xanh mát. Càng đẹp hơn khi đến xã và tiếp xúc với dân cư tại đây. Nhà dì Tư Hiệp tuy không ở đầu xóm nhưng ở xóm Cửa Cạn, khách lạ muốn hỏi thăm điều gì, dân trong xóm chài này đều chỉ lại nhà dì, bởi “bà ấy ba đời sống cố cựu ở đây mà!”.
Nhà dì Tư Hiệp là một nhà sàn tựa trên đá nên chỉ cao hơn mặt đất vài tấc chứ không giống những ngôi nhà cao cẳng miệt Châu Đốc, An Giang. Chủ và khách có thể ngồi thoải mái trên sàn nhà, thả chân xuống đất chuyện trò. Dì Tư kể gia đình dì ở đây từ thời ông nội, một nghĩa quân của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bao lần giặc giã qua đây, nhiều người trong xóm chạy về Dương Đông lánh nạn, gia đình dì vẫn ở lại, dựa vào chiếc xuồng câu mực, đánh bắt cá tôm mà sống đến giờ. Cư dân trong xóm Cửa Cạn này hàng trăm năm nay vẫn theo nghề đánh cá, câu mực nên có thể coi đây là một trong rất ít xóm chài xưa còn sót lại của huyện đảo Phú Quốc. Nghe nói lúc trước nơi đây còn có nghề làm nước mắm nhưng nay đã mai một rồi.
Mới gặp lần đầu nhưng người phụ nữ ngoài 70 tuổi ngồi trước mặt đã gợi trong tôi cảm giác rất thân quen như người nhà. Dì Tư cho biết hai người con trai dì vẫn theo nghiệp nhà, đến mùa là đi chài lưới, câu mực. Có điều ở cái xóm chài này mọi người nghèo lắm, chỉ có ghe nhỏ đánh bắt gần bờ thôi nên cuộc sống mấy năm nay rất bấp bênh, cá mực càng ngày càng hiếm nên nhiều thanh niên phải lên Dương Đông tìm việc làm. Khi chúng tôi nói chuyện, mấy đứa cháu của dì tư và đám trẻ trong xóm vẫn chạy qua chạy lại tò mò nhìn tôi và cô bạn đi cùng. Có lẽ ở cái xóm nhỏ này ít khi có khách như chúng tôi. Dì tư cho biết khách đến đây thường là dân địa phương, họ đến mượn ghe nhà dì để sang bãi Ông Lang cúng “Bà Lớn tướng”, phu nhân của Ông Lớn. Đúng là trong vùng đất này, từ khu chợ ngoài kia đến xóm chài phía trong, đâu đâu tôi cũng thấy niềm tôn quý dành cho người anh hùng. Bởi từ cầu gỗ bắc qua rạch Cửa Cạn, đi lên phía trên một chút là miếu thờ Nguyễn Trung Trực, nơi còn dấu tích chiếc ghe ông rấn vào đây lần cuối trước khi chịu tự ra nộp mình. Ở xã Cửa Cạn, những câu chuyện về người anh hùng xưa luôn thấm đẫm chất trang trọng, đẹp đẽ khiến lòng tôi rưng rưng cảm xúc.
Dì Tư Hiệp nhiệt tình cho chúng tôi mượn ghe dưới bến, lại nhờ một anh thanh niên nhà gần đó đưa chúng tôi sang bãi Ông Lang cúng mộ “Bà Lớn tướng” tiện thể anh ta đi thăm bãi nuôi ốc hương bên đó. Từ cái xóm chài của dì Tư, đi chếch xuống một chút, vượt qua một con lạch nhỏ là ra tới biển.
Mộ Bà trên bãi Ông Lang lúc nào cũng nghi ngút khói hương, trái cây đầy ụ trên dĩa. Dân trong xã Cửa Cạn hầu hết là hậu duệ của những nghĩa quân theo Ông đánh giặc nên việc tu bổ phần mộ hàng năm là đương nhiên. Trên bãi Ông Lang giờ không chỉ có Mộ Bà mà còn rải rác mộ phần các cư dân Cửa Cạn. Đứng trên bãi cát trắng phau nhìn ra phía biển xanh rờn nghe sóng biển rì rào bên tai như kể lể chuyện xưa mà bâng khuâng, hoài niệm một thời...
Trở về nhà dì Tư Hiệp khi nắng trưa vẫn còn gay gắt, dù dì hết sức giữ nhưng chúng tôi đành bịn rịn xin về, hẹn ngày trở lại. Và đó không phải lời hứa suông. Xóm nhỏ bên rạch Cửa Cạn vẫn là nơi đầu tiên tôi muốn về thăm khi đến Phú Quốc.
Khi tôi trở lại Cửa Cạn vào sau tết, con đường từ Dương Đông vào đây đã mở rộng và tráng nhựa láng bon. Nhưng đến nơi thì cây cầu gỗ xinh xắn bắc qua sông đã không còn, chúng tôi phải chạy lên cây cầu bê tông phía trên để vào xóm. Dì Tư Hiệp vẫn khỏe, đón chúng tôi như bà con xa mới về. Dì cho biết trận bão năm rồi đã cuốn trôi cây cầu. Chưa hết, cơn bão còn thổi cát lấp đầy cửa sông nên Cửa Cạn giờ còn cạn hơn. Thuyền bè giờ muốn ra biển rất khó khăn. Mấy đứa con dì mấy lúc gần đây không đánh bắt được gì cũng muốn treo lưới, bỏ nghề. Nghe mà buồn! Nhưng dì Tư cũng báo tin vui là trên miễu Ông người ta đã trục vớt chiếc ghe của Ông lên và cất nhà trưng bày ghe ngay tại đó, khách đến tham quan sẽ thấy dấu tích xưa.
Ừ, cái xóm chài của tôi, nghèo khổ vất vả đến đâu cũng không quên nguồn cội. Bất chấp những đổi mới, những quay cuồng của cuộc đời, họ cứ sống lặng lẽ, chân tình như xưa giờ vẫn thế.
Theo mấy đứa nhỏ ra vàm sông. Đúng là cát đã ăn sâu và lấp đầy cửa sông. Con đường ra biển cứ bị cát bồi như vậy, người dân xóm chài liệu sống sao đây? Thương quá cái xóm chài bé nhỏ, hiền hòa bên ven rạch này, biết mai này nó còn tồn tại nữa không.
Hai năm rồi tôi không về Cửa Cạn. Theo dõi tin tức tôi biết Phú Quốc đang phát triển và đổi thay đến chóng mặt nên lại chạnh nghĩ đến xóm chài xưa, nghĩ đến dì Tư Hiệp hiếu khách hiền hòa. Cái xóm chài kia và gia đình dì Tư giờ đã ra sao? Họ có còn bám lấy đất xưa sống nghề hạ bạc hay đã đổi đời? Mùa xuân đang về, không biết gió có thổi cát ra biển để con lạch khai thông? Chỉ mong sao xóm cũ vẫn yên lành cho trong tôi còn ngọt ngào một chút dấu xưa.