Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Về thăm làng hương Phia Thắp trăm năm tuổi ở Cao Bằng

(SGTT) - Nằm dưới chân núi Phà Hùng, thuộc huyện Quảng Uyên, làng hương Phia Thắp với khung cảnh đẹp cùng nét văn hóa truyền thống đang là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Cao Bằng.
Phia Thắp được biết đến với nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay. Ảnh: Thanh Tính

Làng hương Phia Thắp cách trung tâm thành phố Cao Bằng tầm 35km, trên đường đến huyện Trùng Khánh. Từ quốc lộ 3, du khách đi thẳng sẽ thấy một ngôi làng nằm bên phải đường. Đây được xem là một trong năm làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là làng nghề truyền thống với lịch sử trên 100 năm, lưu giữ được nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Nùng An.

Thân hương thường được dùng bằng cây mai (tre mạy mười) vì dẻo và dễ bắt lửa. Ảnh: Thanh Tính

Theo lời người dân, họ vẫn đều đặn hằng ngày thức dậy làm việc theo tiếng gà gáy ban mai như một thói quen khó bỏ. Đàn ông hay đàn bà đều có thể lên rừng chặt tre (còn được gọi là cây mai, tre "mạy mười") vừa thẳng vừa dẻo, dễ bắt lửa về chẻ nhỏ rồi vót bằng tay thành từng que thật nhỏ và tròn đều.

Khung cảnh yên bình tại làng hương Phia Thắp. Ảnh: Thanh Tính

"Làng hương Phia Thắp với khung cảnh đẹp như tranh và nét văn hóa truyền thống ấn tượng đang là điểm du lịch cộng đồng “xứng đáng ghé thăm” ở vùng đông Bắc", travel blogger Nguyễn Thanh Tính chia sẻ.

Mọi nguyên liệu làm hương đều từ tự nhiên, không hóa chất. Ảnh: Thanh Tính

Mọi nguyên liệu làm hương đều từ tự nhiên, không hóa chất. Người dân đi hái lá cây bầu hắt trên rừng về phơi khô, tán nhỏ để dùng làm chất keo kết dính. Ngoài ra, vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa dùng làm bột hương; gỗ thông mục đem về nghiền nát thành bột để tạo màu. Sau đó, người thợ sẽ nhúng que nhang vào chất keo dính, rồi lăn qua lớp bột hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm.

Ảnh: Thanh Tính

Lần cuối cùng là lăn chất tạo màu, đồng thời cũng tạo mùi thơm, sau đó phơi khô. Nếu trời nắng to thì phơi một ngày là khô, nếu âm u thì sẽ cần 3-4 ngày. Khi đã khô rồi sẽ nhúng chân hương vào phẩm màu để có màu đỏ đẹp. Phẩm màu này cũng được làm từ bột gỗ tự nhiên.

Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương. Ảnh: Thanh Tính

Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về khám phá tìm hiểu cuộc sống của làng. Du lịch đến với làng sẽ được người dân bản địa hướng dẫn trải nghiệm việc làm hương.

Đây được xem là một trong năm làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là làng nghề truyền thống (có lịch sử trên 100 năm), nơi đây vẫn giữ được nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Nùng An. Ảnh: Thanh Tính

Với những giá trị văn hóa và truyền thống đặc sắc, làng hương Phia Thắp không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho du khách, mà đây còn là một vùng đất mang trong mình một phần giá trị văn hóa đặc biệt của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.

Thanh Thu

Ảnh: Thanh Tính

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề