(SGTT) – Trong hành trình khám phá miền Tây Nam bộ, du khách có thể dành thời gian ghé thăm những ngôi nhà cổ, có kiến trúc Đông – Tây kết hợp đẹp mắt, như nhà cổ Cai Cường ở Vĩnh Long, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Đồng Tháp hay nhà Đốc Phủ Hải ở Tiền Giang.
Nhà cổ Cai Cường, Vĩnh Long
Nhà cổ Cai Cường được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh, bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính quay về hướng Bắc. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt -Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp”, tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.
Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870, đến đây, du khách dễ nhận thấy sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây trong kiến trúc. Theo đó, ngôi nhà bên ngoài có hình thức phương Tây nhưng cấu trúc và nội thất lại đậm màu sắc phương Đông. Bước qua lớp cổng rào, bên trong có một cổng phụ dạng như cổng chào với lối kiến trúc cổ Á Đông, khung gỗ mái ngói.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là ngôi nhà cổ có kiến trúc kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây độc đáo bậc nhất vùng Nam Bộ. Ngôi nhà trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi cuốn tự truyện của nữ văn sĩ Marguerite Duras được chuyển thể thành bộ phim cùng tên (L’Amant) năm 1991. Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, trong khi vòm cửa lại thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17.
Nhà Đốc phủ Hải, Tiền Giang
Tọa lạc tại trung tâm thị xã Gò Công, ngôi nhà được xây dựng năm 1890 theo kiểu chữ Đinh. Ngôi nhà gồm ba gian hai chái với lối kiến trúc phương Tây, bố trí cầu kỳ nhưng khoáng đạt. Du khách đến tham quan tận mắt chứng kiến những cổ vật, những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc; cảm nhận sự vương giả của một gia đình Đốc phủ.
Nhà Bạch Công tử, Tiền Giang
Ngôi nhà của Bạch Công tử được xây dựng vào năm 1925 – 1926 với tổng diện tích khoảng 322m² trên một khu đất rộng hơn 4.000m². Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà của Bạch công tử được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách châu Âu và cũng là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại thành phố Mỹ Tho. Phía trước cửa chính, trên mái nhà là những phù điêu được chạm trổ tinh xảo hình hoa lá, chim phượng…
Nhà Công tử Bạc Liêu
Nhà Công tử Bạc Liêu nằm cạnh sông Bạc Liêu, từ xa đã thấy rõ sự bề thế, sang trọng. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây, được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Đến nay, công trình đã hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Bạc Liêu.
Nguyên Phong