Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy An

(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống ở Phú Yên.
Đối với người dân miền biển Phú Yên, thúng chai là sản phẩm rất thông dụng, dùng để câu mực, câu tôm... hay đưa hàng hóa từ bờ ra thuyền lớn. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Thời vàng son, làng Phú Mỹ có khoảng 50 hộ gia đình mưu sinh bằng nghề đan thúng chai. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thuyền thúng composite, nghề làm thúng chai trở nên ít phổ biển hơn. Hiện, làng Phú Mỹ còn khoảng 10 hộ theo nghề này. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Nguyên liệu chính để làm thúng chai là tre. Trước tiên, người thợ chọn những cây tre đạt yêu cầu có độ tuổi 1-1,5 năm tuổi, không non cũng không già thì thúng mới bền chắc. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Tre phải được vót một cách tỉ mỉ rồi đem phơi nắng. Sau đó, chuyển qua cho thợ đan mê, lận vành rồi phơi khô, tiếp tục với công đoạn trét phân bò, dầu rái và tiếp tục đem phơi. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Trong các công đoạn làm thúng chai thì trét dầu rái được coi là công đoạn quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm, giúp nâng tuổi thọ của một chiếc thúng chai lên đến hàng chục năm. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Khung cảnh người dân làng Phú Mỹ đan thúng chai với góc nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Ngoài làm phương tiện đánh bắt hải sản, sản phẩm thúng chai ở làng còn được người dân trang trí theo đặt hàng của các đơn vị du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Nghề đan thúng chai không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề mà còn tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Gần đây, thúng chai do người làng Phú Mỹ làm ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và châu Âu. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Nguyễn Khánh Vũ Khoa - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề