Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Về Phú Quốc nghe sự tích “tứ hòn”, đi bộ dưới biển ngắm san hô

(SGTTO) – Quần đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với những hòn đảo và biển trời xanh biếc luôn có gì đó hấp dẫn. Lần này, tôi còn được nghe về sự tích “tứ hòn” và lặn ngắm san hô thoả thích.

Sau hành trình chừng 15 phút ca nô vòng vèo trên biển xanh, theo tay của hướng dẫn viên du lịch tên Phương chỉ, tôi nhận ra khung cảnh của hai hòn Mây Rút trong và Mây Rút ngoài đối xứng nhau, tạo nên một eo biển nho nhỏ, thoạt nhìn tưởng như chỉ với tay là chạm vào những hòn này ngay tắp lự.

Bà Tám – nữ thuyền trưởng tài ba

Hướng dẫn viên tên Phương nói, cái tên Mây Rút được ngư dân quen gọi vì trên đảo này có rất nhiều dây mây. Loại mây này đem về đập dập làm thành chão ràng các thùng gỗ chứa nước mắm rất bền. Ngư dân còn cho biết, cách đây hơn 60 năm trước, ngư dân đầu tiên đổ bộ lên hòn Mây Rút ngoài là bà Tám - một phụ nữ có tổ tiên gắn bó với đảo ước chừng 200 năm đổ lại.

Nghe kể rằng, khi còn trẻ, bà Tám từng là vị thuyền trưởng tài ba, thích lái ghe đi khắp các đảo để săn tìm các loại trai ngọc, bắt cá và lượm trứng nhạn hút khi đói mệt.

Vẻ đẹp quần đảo Phú Quốc.

Lúc chạm ngõ cùng Hòn Mây rút xanh um, ngay lập tức bà nhìn thấy trên hòn có rất nhiều bóng dừa xõa tóc, che mát cả một khoảng trời xanh. Vậy là, bà neo ghe lại trên hòn, dạo ngắm xung quanh tìm hiểu cảnh quan. Sau đó, bà chạy ghe về đất liền, mua vật dụng ra hòn dựng một mái tranh đơn sơ nép mình dưới bóng dừa xanh. Hàng ngày bà cùng chồng giăng lưới bắt sản vật của biển để duy trì cuộc sống.

Thăm hòn Mây Rút, nếu có duyên, bạn sẽ gặp các hậu duệ của vị chúa hòn tên Tám này. Qua đó, bạn có thể thu lượm nhiều câu chuyện ly kỳ pha lẫn chút huyền hoặc tâm linh về biển trời Tây Nam.

Cảnh sắc tươi đẹp ở biển Phú Quốc.

Khi du lịch phát triển, phần đất và biển của bà Tám khai phá năm xưa đã trở thành dấu son cho hòn. Khung cảnh nên thơ, mát xanh đến mức chỉ cần ra đây nằm võng ngắm trời, hứng gió cũng cảm thấy tâm hồn như bay bổng lên… chín tầng mây.

Một người con của bà Tám cho biết: “Má tui yêu hòn và gắn bó mật thiết với nó như cá với nước. Theo lời má tui dặn, hồi xưa ba má đã bỏ ra biết bao mồ hôi, nước mắt để khai phá kiếm cái ăn nuôi tụi con khôn lớn”.

Ngày nay, dù cuộc sống xem ra ổn thỏa hơn xưa, nhiều người tìm gặp các con bà Tám để mua đất trên hòn với giá bạc tỉ nhưng họ vẫn lắc đầu nói “không”. Bởi cả cả đời này, gia đình họ chỉ biết dựa biển để sống, nay lên bờ, mọi người sẽ chỉ loi ngoi như cá ngộp nước, không biết làm gì tốt hơn ngoài việc đánh cá và bán hải sản cho du khách viếng thăm.

Chia tay hòn Mây Rút với chút bâng khuâng, ca nô tiếp tục đưa cả nhóm ghé thăm hòn Gầm Ghì (tức hòn Dăm Ngang) và hòn Móng Tay. So với vẻ mát xanh của hòn Mây Rút trong và Mây Rút ngoài, hòn Gầm Ghì có hình thù lạ lẫm đi kèm sắc màu nâu đen của các tảng đá lô nhô trên mặt biển, nhìn giống một đàn rùa, hải cẩu và bò biển hóa thạch đang ngủ say.

Hòn Gầm Ghì là nơi du khách lựa chọn để chụp ảnh "sống ảo". Khi ngồi trên một hòn đá của Gầm Ghì, chỉ cần nhìn xuống bạn sẽ thấy cả một thiên đường san hô đa sắc dưới mặt nước xanh ngọc. Nếu ra hòn lúc trời trong, bạn tha hồ mỏi tay chụp khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh và không trùng lắp.

Nếu Gầm Ghì là nơi thỏa thích chụp ảnh, hòn Móng Tay hiện là điểm dừng chân thích hợp cho du khách ăn trưa, cắm trại và vui chơi. Thức ăn trên hòn hơi mắc nhưng mọi thứ rất tươi ngon. Chỉ cần mực ướp chút sa tế rồi đem nướng lên, bạn sẽ thấy vị ngon hẳn so với ăn ở khu chợ đêm Phú Quốc.

Đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô

Trạm dừng cuối của nhóm chúng tôi là thủ phủ Sea world - địa chỉ đang được rỉ tai nhau là ra Phú Quốc mà chưa xuống vương quốc thủy tề, trò chuyện với tướng cá binh tôm và ngắm san hô xây lâu đài thì lúc về sẽ ấm ức.

So với Nha Trang, dịch vụ đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô tại Phú Quốc ra đời muộn hơn nhưng việc quản lý và bảo vệ môi trường ở đây khá tốt. Chúng tôi trò chuyện với Duy - người vì mê biển đã lập dự án đi bộ ngắm san hô. Duy nói: “Trong những ngày lặn biển nhìn san hô gãy vụn và chết bởi rác ni lông, cộng thêm vào đó là do du khách phá phách, tôi cứ ấm ức mãi, cuối cùng lập đề án xin phép dọn bãi san hô và bảo vệ chúng”. Để duy trì và chăm lo đời sống các anh em đồng chí hướng, dự án Sea world đã ra đời nhắm giới thiệu thêm về khung cảnh biển Phú Quốc đến với du khách.

Phú Quốc hiện nay vẫn còn hơn 200 loài san hô sinh sống. Có thế nói, với hàng trăm năm lặng lẽ sản sinh, san hô đã hình thành những rạn đá che chở cho đàn cá và góp phần cân bằng môi trường biển. Nhờ Duy nhắc, tôi giật mình nhớ lại các sinh vật quý mà người Pháp đã ghi chép như: đồi mồi, vích, ngọc trai trắng, ngọc trai hồng, ngọc trai đen, bò biển và dugong (sinh vật được mệnh danh nàng tiên cá) cũng lựa chọn ngư trường này để lưu trú.

Đặc biệt, vùng biển Phú Quốc là điểm hội tụ của cá cơm than. Đây là nguồn cá được ngư dân đánh bắt để  làm nước mắm ngon có tiếng của Việt Nam và thế giới. Do vậy, đến Phú Quốc ai cũng phải rinh vài chai nước mắm về nhà.

Theo hướng dẫn của Duy, cả nhóm từ từ chạm mình xuống mặt nước xanh trong. Khi đã chạm chân xuống đáy biển có độ sâu chừng 4m, chúng tôi miệng chữ O, mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy những đóa hải quỳ rập rờn y như bông hoa chào đón. Giống như các phi hành gia, cảm giác nước cứ đẩy chúng tôi bay lên, vài bạn nghịch ngơm bung mình vọt lên chừng nửa mét rồi nhẹ tênh đáp xuống.

Trong khung cảnh tĩnh mịch lấp loáng tia sáng mặt trời trên đầu, xung quanh tôi, thế giới vương quốc “Nam Hải long vương” hiện ra huyền ảo như một cõi mơ, khiến bao lữ khách ngỡ ngàng.

Dương Thủy

Ảnh: Quang Duy, Đức Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân...

0
(SGTT) - Ngày 20-11, Liên Hiệp Quốc thông báo hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố chung thúc đẩy du lịch bền vững...

Rừng đang ‘chảy máu’

0
(SGTT) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu...

Quảng Nam có ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được vinh danh là một trong 55 làng du...

Bảo tồn đa dạng sinh học từ góc nhìn đề án...

0
(SGTT) - Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung....

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Kết nối