Đi đến một tỉnh nào đó tôi hay để ý tên một con đường rất lớn mà chỉ có ở riêng tỉnh đó. Đó thường là tên của một anh hùng hoặc danh nhân ở địa phương, như ở Cà Mau có đường Phan Ngọc Hiển, Bạc Liêu có đường Cao Văn Lầu.
- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngôi chùa 135 năm tuổi ở Bạc Liêu
- Check-in cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam ở Bạc Liêu
Tôi càng vui hơn khi được biết khu lưu niệm và mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng nằm trên con đường này. Bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu tạo cảm hứng rất lớn cho nhiều nhạc sĩ về sau. Tôi hay nghêu ngao câu “Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng” trong bài Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Bài hát thật lắng sâu, chất chứa những nỗi niềm về một thời xuân sắc đã qua. Còn có một vở kịch nổi tiếng tên là Dạ cổ hoài lang, và nhiều phối âm lấy cảm hứng từ bản nhạc này.
Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ được xây dựng khang trang gồm bốn không gian chính. Nơi không gian giữa sân ngoài trời, “trơ gan cùng tuế nguyệt” là những nhạc cụ bằng đá như đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn guitar phím lõm… Bên trái là nhà trưng bày các hiện vật và tư liệu gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông, cùng với những ảnh hưởng mang tính khai mở và làm nền móng cho sự phát triển của nền ca nhạc tài tử cải lương Nam bộ. Phía sau là nhà hát quay mặt ra khoảng sân lớn kiểu như sân đình, để tổ chức biểu diễn những chương trình văn nghệ lớn cho số đông khán giả trên sân xem. Đối diện nhà trưng bày là nhà biểu diễn đờn ca tài tử hàng ngày cho khách tham quan thưởng thức trực tiếp.
Mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng vợ và cha mẹ ông ở phía sau nhà trưng bày, nhà mồ được xây khang trang cho du khách đến viếng thăm và thắp hương, tri ân tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa.
Các tiết mục văn nghệ trực tiếp luôn được khách tham quan thích thú và tán thưởng. Có ban nhạc đờn và các nghệ sỹ luân phiên trình diễn những tiết mục đặc sắc. Khách du lịch rất thích thú khi xem các tiết mục biểu diễn trực tiếp này bởi những giọng ca ngọt ngào, khỏe khoắn, lên bổng xuống trầm, nhặt khoan theo cung bậc của từng bài bản, thể điệu. Theo các nhà nghiên cứu, bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu là bài bản chính, đầu tiên, tiền thân của bài vọng cổ sáu câu ngày nay. Ban đầu là ca tài tử, ca ra bộ, sau đó phát triển thành các vở tuồng với nhân vật và số phận, cốt truyện hoàn chỉnh.
Một vở cải lương là một sự phối hợp vô cùng phong phú giữa các bài bản, điệu lý, vọng cổ và lời thoại. Có hàng chục điệu lý, hàng chục bài bản khác nhau trong một vở tuồng. Khi tìm hiểu về cải lương, tôi phải nghiêng mình nể phục soạn giả đã viết trọn vẹn một vở tuồng như Trần Hữu Trang viết vở Tô Ánh Nguyệt hay Đời cô Lựu. Hoặc Hà Triều – Hoa Phượng với rất nhiều vở tuồng đậm chất văn học… Riêng soạn giả Viễn Châu viết đến hàng ngàn bài vọng cổ.
Nghệ sỹ Phượng Liên có lần đã trò chuyện rằng các giai điệu trong vở tuồng hay lắm, khi vui nhân vật sẽ hát bài Khóc Hoàng Thiên; khi buồn sẽ hát Phụng Hoàng, Văn Thiên Tường; vua quan luôn hát những bài bản lớn, dân dã hát những bài bản nhỏ. Trong một vở tuồng soạn giả sắp xếp cho nhân vật khi nào nên hát, khi nào nên thoại, rất hay. Cả một kho tàng các thể điệu được đưa vào một vở tuồng. Ngôn ngữ trong những vở tuồng hay mang rất đậm chất văn học, nội dung luôn hướng tới chân – thiện – mỹ. Vì vậy, sự đóng góp cho xã hội của cải lương tại miền Nam và trong cả nước rất to lớn.
Tại nhà trưng bày, chúng ta bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ vang danh một thời và cả những nghệ sĩ hiện vẫn còn hoạt động nghệ thuật, như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy… Với hàng loạt đoàn hát và những nghệ sĩ thành danh trước và sau năm 1975, phải nói tầm ảnh hưởng của cải lương rất sâu và rộng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mỗi dịp đám tiệc luôn có chương trình văn nghệ và những bài vọng cổ là tiết mục không thể thiếu. Nó làm thỏa mãn người nghe và mang đến sự gần gủi giữa người hát với công chúng xung quanh. Không phải chỉ khi về thăm Bạc Liêu, mà mỗi lần cất lên bài vọng cổ, chúng ta thầm cảm ơn nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tạo cho chúng ta món ăn tinh thần quý giá đó!
Phú Thành
Theo KTSG Online