(SGTT) - "Nhà Bá Kiến" được xem là nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo, hiện vẫn còn tồn tại ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 40km, với tuổi đời hơn 100 năm.
- Tìm về dấu xưa nơi làng Cựu
- Về chốn thanh bình nơi chùa Đùng, ngôi cổ tự ngàn năm ở Hà Nam
- Đến Huế, ghé thăm làng cổ hơn 500 tuổi bên dòng Ô Lâu
Theo TTXVN, ngôi nhà Bá Kiến tọa lạc trên một khu đất rộng gần 900m² tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trần Duy Hanh, một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê hơn 20 thợ làm nghề mộc ở Cao Đà, phủ Lý Nhân, thi công.
Ngôi nhà có ba gian, thiết kế theo phong cách truyền thống nông thôn Việt Nam, với bốn hàng cột gồm 16 cây cột lớn làm từ gỗ lim. Đây cũng là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận thời bấy giờ đều chưa có.
Gạch dùng để xây tường, lát nền nhà và lát sân trước nhà đều là gạch nung bằng rơm. Theo báo Nhân Dân, thời đó chưa có xi-măng, nên người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi, thêm một số phụ gia khác để làm hồ xây nhà.
Mái nhà lợp ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Diện tích mặt sân trước nhà khoảng 70m². Phía trước sân có một bể nước hình chữ nhật khoảng 2m².
Ngôi nhà cổ Bá Kiến đã hơn 100 năm tuổi, nhưng mái ngói vẫn chưa phải tu sửa và không bị dột nát. Xưa kia, nhà cổ có nhiều đồ vật rất đáng giá như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ… nhưng đã bị bán và mối mọt phá hủy gần hết.
Hiện nay, ngôi nhà được UBND xã Hòa Hậu quản lý, đón tiếp du khách về tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao.