(SGTT) - Vatican, một quốc gia nằm trong lòng thủ đô của Ý, diện tích 44 ha, nhưng lại có tầm ảnh hưởng tinh thần hàng đầu thế giới; cư dân chính thức chưa đến con số 1.000, hầu hết đều tu hành. Thăm nhà thờ Saint Pierre gần 400 năm tuổi không thôi cũng đủ để lòng người say đắm…
Cuối cùng, sau hơn một tiếng đồng hồ xếp hàng, vợ tôi và tôi cũng vào được nhà thờ Saint Pierre của Vatican. Chuyến thăm Vatican này, theo một chương trình tour, diễn ra trong vòng nửa ngày, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu muốn thăm thú, tìm hiểu thêm nơi đây, chắc phải mất ít nhất cả tuần lễ. Để lần sau vậy, nếu còn có dịp đến Ý, và không đi theo tour.
Vào nhà thờ Saint Pierre
Cuối năm 1999, tôi từng đến Vatican cùng một nhóm bạn, đúng vào lúc Giáo hoàng chủ trì một buổi lễ từ trên một ban công nhìn ra quảng trường Saint Pierre rộng lớn.
Khi ấy, chúng tôi đứng trong quảng trường cùng hàng ngàn giáo dân. Theo những ghi chép sau này đọc được, quảng trường xây dựng năm 1667, bao bọc bởi một vòng cung gồm 284 cây cột, trên đó có 140 tượng thánh Công giáo. Nó có thể chứa đến 150.000 người cùng một lúc.
Khi ấy, chưa thấy dòng người rồng rắn xếp hàng để vào nhà thờ Saint Pierre. Sự đổi thay thật quá rõ, vì Vatican đã trở thành một địa danh thu hút khách du lịch, trong số đó, có nhiều người Trung Quốc lục địa. Những nguời gốc Trung Quốc ở châu Âu đã nghĩ ra và tổ chức những tour du lịch dành riêng cho người Trung Quốc lục địa. Vatican, đương nhiên, phải nằm trong chương trình của họ.
Vẫn theo những ghi chép, hầu hết những công trình của Vatican đều được xây dựng trong khoảng thế kỷ XIV đến thế kỷ XV. Những kiến trúc sư bậc thầy như Sangallo, Bramante, và Michelangelo đã thiết kế và thi công một số công trình, mà bây giờ vẫn tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều họa sĩ và kiến trúc sư.
Vì theo chương trình tour, chỉ thăm Vatican được nửa ngày, chúng tôi không thể khám phá nhiều nơi, chỉ có thể vào nhà thờ Saint Pierre mà thôi. Tuy vậy, đã đủ để lại kỷ niệm của chuyến thăm một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới, mà thời gian nào bôi xóa…
Cảm nhận của tôi, khi vào nhà thờ, được xây dựng từ tháng tư năm 1506 đến tháng 11 năm 1626, là sao mà nó đẹp đẽ, tráng lệ đến thế. Hằng năm, nhà thờ Saint Pierre đón nhận hàng triệu lượt khách và tín đồ đến cầu nguyện hoặc chiêm ngưỡng.
Có lẽ, không chỉ du khách phương xa mà chính người Ý ở Rome, mỗi khi có dịp vào đây, hẳn cũng phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ nhưng uy nghiêm của nhà thờ. Hiển nhiên, nhiều khách nhàn du tới đây, chủ yếu, cũng để chiêm ngưỡng những kiến trúc, hội họa thời Phục Hưng của Ý đó.
Cảm phục người xưa
Sau này, vợ tôi cho biết, trong chuyến thăm Ý, nhà thờ Saint Pierre ở bờ phải sông Tibre với cổng mở ra quảng trường cùng tên là nơi mình thích nhất.
Trong nhà thờ, có nhiều tác phẩm nghệ thuật để xem và tìm hiểu quá. Nhưng vì ít thời gian, sau khi dạo một vòng trong nhà thờ, chúng tôi đã quay lại đôi chỗ quan trọng.
Thiệt tình, chẳng thể nào không thán phục những gì người xưa đã làm, đặc biệt là Michelangelo. Những tia nắng hè xuyên qua mái vòm do họa sĩ, kiến trúc sư thiên tài này thiết kế và qua những cửa sổ trên cao, chiếu xuống đầu du khách, ngay khi họ vừa bước chân vào bên trong, tạo nên một cảm giác kỳ thú. Nội cái mái vòm và những cửa sổ này không thôi đã là kiệt tác.
Không chỉ vậy, ở ngay trung tâm nhà thờ là một bàn thờ sáng lòa để người hành hương tụng niệm. Giáo hội Công giáo ở Rome tin rằng ngay dưới bàn thờ đó có mộ phần của Thánh Pierre. Vị thánh này được thừa nhận như Giám mục của Rome, đồng thời là giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội. Trong giai đoạn sơ khai của Giáo hội Công giáo ở Rome sau đó, nhiều Giáo hoàng đã được chôn cất trong nhà thờ này.
Rồi đến bục giảng được cho là của Thánh Pierre ở phía sau nhà thờ. Nó trông giống như một ngai vàng tuy chỉ là một chiếc ghế gỗ sồi cũ kỹ đã được nhà điêu khắc Bernini sửa chữa và trang trí thêm. Ngoài ý nghĩa lịch sử, nó còn là một tác phẩm nghệ thuật, xung quanh có những bức tượng đồng mô tả các thánh và thiên thần. Đại diện của Chúa Thánh thần cũng có mặt, từ trên cao nhìn xuống, thông qua cửa sổ kính màu khắc hình chim bồ câu.
Tuy không phải nhà thờ chính của Giáo hội Công giáo Rome, cũng không phải nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rome, nhưng nhà thờ Saint Pierre lại được xem như công trình tôn giáo quan trọng vào bậc nhất của Giáo hội Công giáo Rome. Trải qua biến động và năm tháng, công trình vẫn tồn tại như một dấu son của Vatican, trở thành một phần không thể thiếu của thánh địa của những người thuộc Giáo hội Công giáo Rome này.
Chính vì vậy, hình ảnh nhà thờ Saint Pierre đã được dùng làm hình ảnh đại diện cho Vatican.
Ngày nay, nơi đây là một quốc gia có chủ quyền với tổng diện tích 0,44 cây số vuông, nằm trong lòng của Rome, thủ đô nước Ý. Với tên gọi chính thức Thành quốc Vatican, nơi đây đại diện cho quyền lực tối cao của Giáo hội Công giáo Rome. Tính đến cuối năm 2020, dân số của đất nước đặc biệt này chỉ có 801 người, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, và không có ai được sinh đẻ tại Vatican cả.
Muốn vào đây thì cứ thế mà đi, không cần trình hộ chiếu gì cả.
Bầu Giáo hoàng kiểu cổ
Vào năm 1929, Chính phủ Ý đã công nhận Vatican là một quốc gia độc lập. Quốc gia này do Giáo hoàng điều hành cùng bộ máy lãnh đạo gồm nhưng giáo sĩ cao cấp. Họ có thể sinh sống, làm việc ngay tại Vatican, và cũng có thể tại các nước, nhưng mang quốc tịch Vatican.
Theo Gabriela Nitti, nhà nghiên cứu lịch sử thế giới và tôn giáo, Thủ tướng Ý lúc bấy giờ, ông Benito Mussolini, đã mệt mỏi khi nghe Giáo hoàng phàn nàn với những người Công giáo Ý về việc phải tự nhốt mình trong bốn bức tường của Vatican. Vì vậy, Mussolini cho rằng mình có thể ghi được một số điểm chính trị khi tìm cách đạt được một thỏa thuận thế này: Ý trao vùng đất Vatican cho Giáo hoàng. Ý trả cho Giáo hoàng một số tiền, gọi là "tiền xin lỗi".
Đổi lại: Giáo hoàng thừa nhận nước Ý. Giáo hoàng cũng phải hứa giữ thái độ trung lập trong chính trị và chiến tranh.
Thỏa thuận được ký kết, và một quốc gia mới - Thành Quốc Vatican - ra đời. Đó là năm 1929 như đã nói.
Ngày nay, quốc gia nhỏ bé nằm gọn trên một ngọn đồi đã có những gì phải có đối với một đất nước: chính phủ riêng; luật riêng; cảnh sát riêng; nhà tù riêng; ngân hàng riêng; tem riêng; biển số xe riêng; sân bay riêng; máy bay riêng v.v.
Vatican cũng sở hữu quân đội. Và đội quân bảo vệ Thành quốc Vatican được cho là thiện chiến. Họ không phải người gốc Ý, mà gốc bang Lucerne, Thụy Sĩ, nổi tiếng trung thành và dũng cảm.
Cần mở ngoặc nói thêm về người đứng đầu Thành quốc Vatican. Thành quốc Vatican có Vua, nhưng hầu như không mấy ai biết tới.
Vua của Thành quốc Vatican có quyền lực tuyệt đối trong biên giới của đất nước mình. Với ông, Thành quốc Vatican đã trở thành một trong sáu quốc gia trên thế giới vẫn còn theo chế độ quân chủ tuyệt đối, bao gồm Brunei, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Swaziland. Quyền lực tuyệt đối của Nhà vua là lý do giải thích việc Thành quốc Vatican không thể gia nhập Liên minh châu Âu; liên minh này chỉ thu nhận các quốc gia dân chủ.
Tuy Thành quốc Vatican sở hữu chính phủ, mà các "bộ trưởng" là các hồng y do Giáo hoàng bổ nhiệm, Vua của Thành quốc luôn có quyền bác bỏ các quyết định của họ cũng như bãi nhiệm họ.
Vậy tại sao chúng ta không bao giờ nghe về Vua của Thành quốc Vatican? Bởi vì, dù cho nhiệm vụ của Vua và Giáo hoàng có khác nhau, nhưng lại do cùng một người nắm giữ. Mà giới truyền thông thì chỉ chăm chăm – khi có tin tức ở đây - nói đến Giáo hoàng mà thôi! Cần biết thêm: Vì hai nhiệm vụ khác nhau nhưng lại do một người đảm nhận, cho nên Thành quốc Vatican là chế độ quân chủ tuyệt đối được bầu cử, không cha truyền con nối duy nhất trên thế giới.
Đương nhiên, sức mạnh chính của Vatican là sức mạnh tôn giáo. Một lời kêu gọi của Giáo hoàng, cả tỉ giáo dân khắp thế giới sẽ hưởng ứng. Có thể nói đây là nhà lãnh đạo duy nhất nắm giữ quyền lực “liên lục địa” của thế giới.
Bởi thế nên biết qua về việc bầu đức Giáo hoàng. Người đứng đầu Vatican, về thực chất là một vị vua, nhưng không truyền tử, như đã nói ở trên. Khi ông qua đời hoặc từ chức, liền có một vị khác được bầu lên thay thế.
Giáo hoàng mới được bầu bởi hội đồng gọi là “Mật nghị Hồng y” gồm 120 vị giám mục của nhiều nước. Họ sẽ bị cách ly hoàn toàn trong chín ngày để làm việc này.
Sự kiện bầu Giáo hoàng cũng có những điểm khác thường. Trong đó, nổi bật nhất là việc dùng màu khói để thông báo kết quả. Sau khi bầu cử, nếu thành công, khói trắng sẽ bốc lên từ một ống khói được quy ước sẵn. Nếu khói đen bốc lên thì các Hồng y chưa thống nhất ý kiến.
Khói trắng tượng trưng cho những tờ giấy trắng của sự đồng thuận; khói đen, những tờ giấy đã bị bôi đen, đồng nghĩa với sự bất đồng quan điểm.
Dĩ nhiên, cuối cùng bao giờ khói trắng của nơi tình thương và sự hiểu biết cũng phải tỏa ra thôi!
Tại sao Vatican không dùng những phương tiện hiện đại để thông báo kết quả bầu cử? Hẳn những nhà lãnh đạo thành quốc này muốn gìn giữ một số truyền thống cổ xưa, không dùng điện thoại hay phương tiện truyền tin nào khác.
Sẽ còn quay lại nữa
Theo những gì đọc được, Vatican cũng có một số bảo tàng gom lại thì được cho là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Đồ vật trưng bày đều do các giáo sĩ ở Vatican sưu tầm qua nhiều thế kỷ hoặc do được tặng.
Đó là những bảo tàng nào? Bảo tàng Ai Cập; bảo tàng cổ vật La Mã; bảo tàng cổ vật Hy Lạp; bảo tàng Etrusque (về một nền văn minh cổ đại Ý tồn tại từ 900 năm trước Công nguyên cho đến đầu thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên); bảo tàng tranh (sưu tập từ thời Trung cổ cho đến ngày nay). Bên cạnh đó, còn có phòng trưng bày sưu tập bản đồ và thảm trang trí của vùng Flamand xưa (chủ yếu nằm trong lãnh thổ Bỉ), và một số phòng trưng bày khác, trong đó có phòng trưng bày dành riêng cho tác phẩm về thiên thần Raphael.
Vatican cũng xây dựng một số vườn nho nhỏ, gom lại thì chiếm hơn một nửa lãnh thổ. Chúng được xây dựng từ thế kỷ XV, trong thời kỳ Phục Hưng, với nhiều đài phun nước và tác phẩm điêu khắc, giữa màu xanh êm đềm của cây cỏ cùng những màu xanh, đỏ, tím, vàng của muôn hoa. Như thế, trong suốt bốn mùa của năm.
Biết vậy, nhưng đành hẹn một ngày sau khi Covid-19 đã lùi xa vào dĩ vãng, khi chuyện bay nước ngoài được bình thường trở lại. Năm 2022 hay 2023?
Vợ tôi nghe nói “đi chơi” là mắt như sáng rỡ lên. Có lẽ đó cũng là thời khắc tuyệt diệu nhất của những ngày này, khi Covid – 19 đang hiện hữu. Ai lại không thích ra khỏi nhà và được đi xa, nếu có điều kiện, để ngắm nhìn ngoại cảnh?
Mà dự tính sẽ không đi theo tour - tức không “cưỡi ngựa xem hoa” nữa. Sẽ đi như sau: từ Tân Sơn Nhất bay sang Charles de Gaulle. Ở lại sân bay lớn nhất nước Pháp này vài tiếng đồng hồ, nếu đến sớm, rồi nối chuyến tới sân bay Léonard-de-Vinci gần Rome, hoặc lên tàu lửa tốc độ nhanh tới sân ga Venise-Santa-Lucia của Venise, chơi một hôm. Tiếp đến, lại lên tàu lửa thẳng tiến sân ga Rome-Termini của thủ đô nước Ý.
Đương nhiên, trước đó đã phải đặt sẵn phòng ở Venise cũng như Rome rồi. Ra nước ngoài, chỉ cần mang theo quần áo, thuốc men cho những bệnh thông thường cùng vài thứ lặt vặt như bàn chải, kem đánh răng.
Những ngày ở Rome, sẽ không chỉ thăm thú Vatican mà thôi.
Nhưng không đi theo tour thì phải cảnh giác: những địa danh nổi tiếng của Ý và ngay cả trong lòng Vatican đều là nơi chốn giới đạo chích châu Âu ra tay rất nhanh và rất dữ! Hẳn ngay từ sân ga của Rome - mà những năm bình thường, số lượng người đi tàu lên tới 150 triệu, đã phải cảnh giác cao độ rồi!
Ngọc Trân