Tấn Phú
Mô hình quán cà phê hát với nhau đã được “cải tiến” theo nhu cầu đa dạng, giá cả cũng hợp lý và do đó đã được nhiều người quan tâm hơn. Tương tự, quán cà phê DJ (có người chuyên phối nhạc) không còn của riêng ở các bar, vũ trường... mà nó đã được kéo xuống bậc bình dân nên được nhiều bạn trẻ ủng hộ.
Vài năm trước từ thành thị đến nông thôn phong trào cà phê có chương trình hát với nhau được dịp bùng phát. Thời đó, những người làm mô hình cà phê này thường đầu tư diện tích quán lớn, quy mô rộng, sang trọng nhưng “thu không đủ bù chi” nên nhiều quán đã phải đóng cửa. Ngày nay, nhiều người đầu tư vào quán cà phê hát với nhau chỉ trên diện tích khiêm tốn nhưng nhắm đến những thứ khác, như âm thanh, ánh sáng hiện đại hơn nên nhiều quán tuy nhỏ nhưng vẫn sống tốt.
Sân chơi của người mê ca hát
Phạm Lê Việt Anh, chủ quán cà phê hát với nhau – ChaLy Coffee ở đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM cho hay: “Quán mở chủ yếu là phục vụ các bạn trẻ mê ca hát sau những giờ làm việc”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có các bạn trẻ mà những người thuộc lứa tuổi U 40-50 cũng thích những quán cà phê hát với nhau như thế này. Bởi theo nhiều người, so với vào quán karaoke trong căn phòng kín thì hát ở quán cà phê có gì đó khác lạ hơn, nhất là với các bạn trẻ có túi tiền eo hẹp.
Bùi Thanh Cường, bạn trẻ mê ca hát có mặt tại quán cho biết: “Lúc trước mình cũng hay đi hát karaoke, nhưng từ khi có quán cà phê hát với nhau này mình không đi hát karaoke nữa”. Hỏi lý do tại sao? Cường giải thích: “Hát ở đây chỉ mất vài chục ngàn đồng thôi bao gồm cả nước uống, mà còn được hát trước khán giả nên rất thích”.
Võ Thị Như Huỳnh, sinh viên trường Đại học Công nghệ thực phẩm cho hay: “So với hát trong phòng karaoke thì ai hát nấy nghe hay vừa hát vừa ngủ gục cũng được. Còn hát ở quán, nhiều người lạ nghe mình hát, nên phải tự tin để hát hay hơn”.
Và với những lý do đơn giản như trên mà nhiều quán cà phê hát với nhau, mặt bằng chỉ vài chục mét vuông nhưng khách ngồi chật kín mỗi đêm.
Cà phê DJ bình dân
Trước đây, khi nói đến DJ Club (disc jockey) người ta nghĩ ngay đến những quán bar, vũ trường sang trọng, nơi lui tới của dân chơi lắm tiền nhiều của. Nhưng nay thì khác, DJ không còn là quán bar, vũ trường “độc quyền” nữa, nó đã được đưa vào những quán cà phê bình dân dọc các con đường Hoàng Sa, quận 3; Cư Xá Bắc Hải, quận 10 hay Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp... để phục vụ mọi người yêu thích thể loại nhạc với cảm giác mạnh.
Để chơi được dạng nhạc này, người chơi phải có trình độ và kỹ thuật âm nhạc để hòa âm phối khí, tạo hiệu ứng cho các bản nhạc qua kỹ thuật riêng mang đến cho người nghe sự cuồng nhiệt, sôi động. Anh Đức Duy, chủ quán cà phê DJ mang tên Ngộ trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp cho biết: “Nhu cầu giải trí, thư giãn của các bạn trẻ bây giờ thật đa dạng, trong đó nhiều người rất thích nhạc DJ”.
“Ở quán, giá thức uống không quá đắt nên thu hút được giới trẻ có thu nhập thấp”, anh Duy chia sẻ. Được biết, bản thân Đức Duy là người dạy DJ nên quán cà phê DJ của anh ra đời cũng từ đó. “Nhiều người cứ tưởng làm nghề này rất nhàn, chỉ cần lên sân khấu đứng xoay đĩa, chỉnh mixer lên xuống là xong. Nhưng thật ra, để được trở thành một DJ chuyên nghiệp, đòi hỏi phải qua nhiều năm khổ luyện và đặc biệt là phải am hiểu về nhạc lý thì mới chơi được”, anh Duy cho hay.
Không ít bạn trẻ cho biết, đi uống cà phê DJ, gặp phải quán có cà phê ngon, cách phục vụ chu đáo, lịch sự và được thưởng thức những bản nhạc sôi động, cuồng nhiệt như Pro House, Latin House, Tribal House hay Electro House do các DJ chuyên nghiệp của quán trình bày thì thích lắm.
Hồng Diệu, khách ruột của những quán DJ cho biết: “Tối nào em cũng cùng bạn bè đi uống cà phê và thưởng thức nhạc DJ. Nghe loại nhạc này tự nhiên thấy tâm hồn mình rất... phiêu”.