Nhằm hạn chế tình trạng đường nhập lậu, Bộ Công Thương dự kiến sẽ sửa đổi quy định theo hướng giảm thời hạn xuất trình hóa đơn chứng từ hàng hóa nhập khẩu từ 72 giờ xuống còn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra hàng hóa, để các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc rút ngắn này cũng chưa giúp gì cho chuyện chống buôn lậu mía đường.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, trong những năm qua, buôn lậu đường với quy mô lớn (chủ yếu tại biên giới tỉnh An Giang, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm, bằng 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước), hành vi ngày càng công khai, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Đường lậu được hợp thức hóa bởi các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh đường do những người buôn lậu lập nên. Việc cấp giấy phép cơ sở sản xuất và chế biến kinh doanh đường này, theo ông Hải, thực chất là một cánh tay nối dài cho đường lậu được tiêu thụ hợp pháp bằng nhãn mác mới.
Ông Hải lý giải, hiện Việt Nam có 41 nhà máy chế biến đường với tổng công suất đạt 2,5 triệu tấn/năm, trong khi lượng đường sản xuất ra chỉ mới ở mức gần 1,6 triệu tấn trong niêm vụ 2013-2014. Đây là sản lượng đường sản xuất lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Do dư thừa công suất nên Chính phủ không cho xây dựng thêm nhà máy đường mới mà chỉ cho cải tạo và nâng cấp các nhà máy cũ lên cho phù hợp với từng vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, có địa phương vẫn cấp giấy phép cho các cơ sở, doanh nghiệp được sản xuất, chế biến đường dù họ không có nhà máy, vùng nguyên liệu. Theo ông Hải, đa phần những cơ sở này là mua đường nhập lậu không có hóa đơn chứng từ rồi đóng gói nhỏ mang thương hiệu riêng và bán ra thị trường. Dĩ nhiên, do giá đường nhập lậu rẻ hơn nên những cơ sở này có khả năng cạnh tranh với chính các nhà máy đường trong nước vì đã có hệ thống chân rết trong phân phối đường từ nhiều năm nay.
Trong thời gian qua, giá bán đường tại các nhà máy dao động ở mức 13.000-14.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa vẫn ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, chênh lệch 6.000-7.000 đồng/kg. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đường nói trên chỉ cần mua đường nhập lậu (rẻ hơn đường bán tại các nhà máy), đóng gói rồi đưa vào thị trường là có thể hưởng lợi nhờ chênh lệch giá ít nhất 5.000 đồng/kg.
Về thực trạng nêu trên, VSSA đã nhiều lần kiến nghị bộ, ngành có biện pháp chấn chỉnh nhằm chống buôn lậu. Tuy nhiên, theo công văn trả lời VSSA của Bộ Công Thương về cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh đường, bộ cho biết, mặt hàng đường là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nhưng không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên cụm từ sản xuất kinh doanh đường vẫn không bị cấm, nghĩa là doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký giấy phép kinh doanh với nội dụng “sản xuất, chế biến và kinh doanh đường” mà không sợ vi phạm pháp luật.
Theo VSSA, Bộ Công Thương có ý định sửa đổi Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA về hướng dẫn chế độ hoá đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng giảm thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu, với mục đích không cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu. Tuy nhiên, nếu một khi các tỉnh vẫn cấp phép cho các cơ sở không có nhà máy đường, vùng nguyên liệu nhưng vẫn được sản xuất và kinh doanh đường thì việc rút ngắn thời gian có hiệu lực của hóa đơn chứng từ xuất nhập khẩu vẫn sẽ không làm giảm được số lượng đường buôn lậu vào Việt Nam lâu nay.
Tự Phong