Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024

Vãn cảnh đầu xuân tại 6 ngôi chùa cổ ở Hà Nội

(SGTT) - Đi lễ chùa trong ngày mùng 1 Tết hay những ngày đầu Xuân là nét đẹp truyền thống của người Việt. Theo đó, trong dịp năm mới Giáp Thìn, người dân và du khách tại thủ đô Hà Nội có thể vãn cảnh những ngôi chùa cổ như chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên hay chùa Láng.

Chùa Vạn Niên

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Vạn Niên nằm ở phía Tây của Hồ Tây, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ hai (1014) sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long.

Ảnh: Vương Lộc

Hầu hết kiến trúc chùa Vạn Niên được làm từ gỗ. Những công trình được làm bằng gỗ đều được trang trí, chạm khắc hoa văn tinh xảo, đậm nét văn hóa phương Đông.

Chùa Trấn Quốc

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có lịch sử khoảng 1500 năm. Chùa nằm trên một bán đảo phía Đông của Hồ Tây, ở gần cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Vương Lộc

Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh tịnh giữa nền tĩnh lặng của hồ nước. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.

Chùa Láng

Với lịch sử hơn 800 năm, kiến trúc cổ kính và không gian xanh mát, chùa Láng là một trong những ngôi cổ tự thu hút nhiều du khách ghé thăm của thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Theo Trang thông tin Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội, chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân của Ngài là vua Lý Thần Tông.

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Láng ngày nay vẫn giữ được vẻ bề thế với quần thể kiến trúc hài hòa và cân xứng với không gian xung quanh. Không gian tĩnh mịch và yên bình được tạo nên bởi sự hòa hợp giữa các công trình kiến trúc của chùa với cảnh quan thiên nhiên, sân vườn, bóng cây cổ thụ.

Chùa Hà

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Hà hay còn được gọi là Thánh Đức Tự, tọa lạc tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Chùa Hà từ lâu đã trở thành địa chỉ tâm linh được nhiều người tìm đến để cầu duyên vào dịp đầu năm mới và Lễ Tình yêu 14-2.

Ảnh: Vương Lộc

Chùa gồm nhiều hạng mục kiến trúc, nằm trong một không gian rộng, nhiều cây xanh. Phía sau tam quan là vườn cây, hồ nước bán nguyệt, sân chùa và chùa chính.

Chùa Quán Sứ

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Quán Sứ tọa lạc ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ 15. Theo Sở Du lịch Hà Nội, tam quan của chùa có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng lát gạch, bước lên 11 bậc thềm là tới chính điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang.

Ảnh: Vương Lộc

Phía sau chùa là các dãy nhà dùng làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Chùa Quán Sứ hiện là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Tây Phương

Ảnh: Vương Lộc

Chùa Tây Phương, còn được gọi là Sùng Phúc tự, được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, tọa lạc trên núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa Tây Phương không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng vùng Bắc Bộ mà còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của nền văn hóa lâu đời ở “xứ Đoài”.

Ảnh: Vương Lộc

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Nguyên Phong - Vương Lộc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề