Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024

Ứng xử “có văn hóa” với thiên nhiên khi đi du lịch

(SGTT) - Sau mỗi dịp lễ, tết, các điểm du lịch hầu hết ngập trong rác thải. Nỗi lo về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường của du khách khi đi du lịch khiến nhiều người yêu thiên nhiên và thích xê dịch cho rằng, họ không dám chia sẻ các điểm đến đẹp, mới khám phá vì lo ngại “đám đông” sẽ tàn phá vẻ đẹp của tự nhiên.

Vô tư xả rác khi đi du lịch

Cứ mỗi dịp có lễ hội hay sau các kỳ nghỉ như 30-4, 2-9, tết dương lịch… các bãi biển, các điểm du lịch văn hóa thường ngập trong rác. Từ vỏ bánh kẹo, ly nhựa, hộp xốp, bao nilong cho đến những bó hoa tàn, hư hỏng, các loại bong bóng, pháo sáng…

Chị Nguyễn Thị Như Ý (ngụ tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, gia đình chị có một cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Bãi Sau, sát ngay bờ biển. Mỗi dịp lễ hay những ngày hè, gia đình chị thường phải làm việc nhiều hơn ngày thường để dọn dẹp rác thải do du khách bỏ lại sau khi đến đây.

Đó là chưa kể, thỉnh thoảng rác thải từ ngoài biển khơi trôi dạt vào bãi biển, tràn ngập khắp nơi. Theo thống kê, hàng năm, các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu 2 đến 3 đợt rác thải từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây Nam bộ. Mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với nhiều loại rác gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường trầm trọng.

HÌnh ảnh rác thải ngập cung đường Tà Năng - Phan Dũng bị cư dân mạng phản ánh hồi giữa tháng 6-2020. Ảnh: Nguyễn Quốc Đại Nguyên.

Ông Phùng Mỹ Trung, chuyên gia đa dạng sinh vật rừng, cũng chia sẻ khi tổ chức các tour du lịch sinh thái cho trẻ em và các tình nguyện viên vào rừng tham quan, tìm hiểu về đa dạng sinh vật học, ông và các cộng sự lo lắng nhất vấn đề ý thức của người đi du lịch.

Du khách hiện vẫn còn thói quen vô tư xả rác khi đi đến bất cứ nơi nào. Chỉ cần tiện tay, người ta có thể xả rác khi vào rừng, ra ruộng hay xuống suối mà không quan tâm đến vấn đề rác thải vừa xả ra có ảnh hưởng đến môi trường sống của chính mình và những loài động thực vật xung quanh không.

Theo ông Trung, hiện nay đang có phong trào mở thêm nhiều tour, tuyến du lịch sinh thái, khám phá núi rừng mới… để đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, nếu những tuyến du lịch này được mở ra một cách ồ ạt mà không có biện pháp đánh giá cụ thể về các tác động lên môi trường cũng như biện pháp bảo vệ thiên nhiên thì rất nguy hiểm.

“Tôi từng nói thẳng với một vị giám đốc vườn quốc gia rằng, nếu ông ấy cho mở thêm nhiều đường mới cho khách du lịch vào rừng tham quan, khám phá thiên nhiên thì vài năm sau, chức vụ của ông ấy cũng khó giữ được. Lợi ích kinh tế là quan trọng nhưng vấn đề bảo vệ môi trường còn quan trọng hơn, vì phần lớn du khách hiện nay chưa có ý thức tự bảo vệ môi trường khi đi du lịch”, ông Trung thẳng thắn.

Ban hành quy tắc ứng xử với thiên nhiên

Vấn đề bảo vệ môi trường khi đi du lịch không phải chuyện mới mà đã được đề cập trong nhiều năm nay. Hình ảnh những núi Bà Đen, cung đường trekking “huyền thoại” Tà Năng – Phan Dũng… ngập trong rác thải đã nhiều lần, đến mức phải tạm dừng khai thác vì rác thải. Thế nhưng, vấn đề này sau đó vẫn lặp lại.

Ông Phùng Mỹ Trung cho rằng, không thể dựa hoàn toàn vào sự ý thức của khách du lịch để đảm bảo các khu du lịch, các cung đường leo núi… được xanh, sạch, đẹp. Thay vào đó, phải có chế tài cụ thể. Đặc biệt, các đơn vị tổ chức tour, tuyến du lịch phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Theo bạn, cần làm gì để nâng cao ý thức của du khách trong việc bảo vệ môi trường khi đi du lịch?

Xem kết quả

“Một chuyến du lịch sinh thái vào rừng hay trekking leo núi nào đó sẽ thú vị hơn, truyền tải được nhiều thông điệp về bảo vệ thiên nhiên hơn nếu người hướng dẫn tour thật sự am hiểu về thiên nhiên, văn hóa và các vấn đề khác tại nơi họ đến. Còn nếu các tour chỉ có mở đường rồi để khách tự đi, hoặc người hướng dẫn quá nhàm chán… thì rất dễ xảy ra tình trạng “khủng bố” môi trường”, ông Trung nhận định.

Để cải thiện vấn đề bảo vệ môi trường khi đi du lịch, ngày 25-12 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo bộ quy tắc này, các tổ chức, cá nhân quản lý địa điểm cần giảm thiểu chất thải phát sinh, lắp đặt, bố trí trang thiết bị, phương tiện bảo đảm thu gom, phân loại rác tại nguồn, bỏ chất thải đúng nơi quy định, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Trong bộ quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vừa ban hành, du khách được yêu cầu không xâm hại cảnh quan môi trường, hệ động - thực vật tại địa điểm, không viết, vẽ, khắc lên hang động, cây xanh và các yếu tố khác cấu thành địa điểm… Ảnh: Nam Bình.

Đồng thời, phải nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá, lắp đặt biển cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường và nhân lực kiểm tra việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường.

Xây dựng, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải sinh hoạt; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường tại địa điểm. Sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại địa điểm…

Đối với khách du lịch, khách tham quan, khán giả và cộng đồng dân cư tại địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cần tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường. Không xâm hại cảnh quan môi trường, hệ động - thực vật tại địa điểm, không viết, vẽ, khắc lên hang động, cây xanh và các yếu tố khác cấu thành địa điểm…

Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy định, đối với các tổ chức cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ tại địa điểm cần chấp hành quy định về bảo vệ môi trường. Không kinh doanh động vật hoang dã và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và vật phẩm được khai thác từ hệ sinh thái và cấu tạo địa chất của địa điểm (nhũ đá, san hô…); không đem vào địa điểm động thực vật ngoại lai gây nguy hại đến môi trường, con người. Hạn chế phát sinh chất thải, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng,...

0
(SGTT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế...

Huế nỗ lực giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch

0
(SGTT) -  Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đi những bước đi đầu tiên trong nỗ lực giảm rác thải nhựa tại hơn...

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí...

0
(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều...

Cận cảnh nhà máy xử lý hơn 40% nước thải của...

0
(SGTT) - Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vừa nâng cấp vận hành giúp nâng tỷ lệ thu gom và xử lý...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Kết nối